Kinh tế và Phát triển

Hà Nam: Cảng Thái Hà mở ra chiến lược vận tải “xanh”, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực

(VOVTV) - Cảng Thái Hà có vị trí thuận lợi, được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng với tiêu chí chất lượng phục vụ cao nhất. Cảng được xây dựng không chỉ thích nghi mà còn góp phần vào chiến lược vận tải đường thủy nội địa trong giai đoạn mới, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Tác giả Trọng Hiếu
05/07/2023 15:53

Vị trí đắc địa

Mạng lưới giao thông trên địa bàn Hà Nam được đầu tư xây dựng khá đồng bộ với hệ thống đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, 10 tuyến quốc lộ; 16 tuyến đường tỉnh và hơn 60% tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh Hà Nam còn có 196 km đường sông, trong đó đường thủy nội địa do Trung ương quản lý là 40 km, tập trung tại sông Hồng và 50 km sông Đáy, còn lại 79 km do địa phương quản lý.

Hà Nam: Cảng Thái Hà mở ra chiến lược vận tải “xanh”, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực - Ảnh 1.

Cảng Thái Hà góp phần giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, giảm chi phí vận vận tải hàng hóa

Hà Nam: Cảng Thái Hà mở ra chiến lược vận tải “xanh”, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực - Ảnh 2.

Với trang thiết bị hiện đại, Cảng Thái Hà có thể đáp ứng được mọi yêu cầu để khai thác hàng rời, hàng tổng hợp và hàng container

Với vị trí chiến lược quan trọng cùng hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt, Hà Nam có lợi thế rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận cũng tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi cảng Hải Phòng rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà, cho biết: Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng thủy nội địa trên sông Hồng tại xã Chân Lý, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân theo Quyết định số 458/QĐ-UBND ngày 15/03/2019. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư số 603/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2022.

Cảng Thái Hà được xây dựng ở vị trí địa lý rất thuận lợi khi nằm giữa trung tâm kết nối 4 tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên và Ninh Bình. Giao thông đường thủy nằm trong đỉnh tam giác, kết nối tuyến hành lang số 2 trên trục ngã ba Sông Hồng và Sông Luộc- nút giao giữa tuyến hành lang số 2 và hành lang số 3. Khu vực Cảng nằm ngoài phía hạ lưu cầu Thái Hà ra cửa Biển Ba Lạt, nơi có cốt luồng sâu và thủy điện rộng nên không bị ảnh hưởng tới tĩnh không cầu Thái Hà. Do vậy, tàu biển, tàu SB ra vào bốc xếp hàng hóa rất thuận lợi.

Không chỉ thông thuận về đường thủy, Cảng Thái Hà còn nằm ở vị trí thuận lợi trong kết nối giao thông đường bộ, đường sắt. Cảng nằm gần cầu Thái Hà, kết nối giữa Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình; cầu Hưng Hà kết nối với tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vị trí kết nối của cảng đi các khu công nghiệp trong tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận từ 22km đến 30km, rất thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu.

Ở khu vực phía bắc, Thái Hà đang là một trong số những cảng thủy nội địa lớn. Việc hình thành các cụm cảng, trong đó có Cảng Thái Hà được đầu tư bài bản, quy mô lớn sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển vận tải thủy, thu hút đầu tư, tạo cơ hội cho sản xuất, phân phối hàng hóa, đóng góp rất lớn vào việc phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận.

Lợi ích kép

Hiện nay, vận tải thủy nội địa đang "chia lửa" với vận tải hàng hóa đường bộ và là phương thức vận tải "xanh" thân thiện với môi trường, được xem là "đầu tàu" trong chiến lược của ngành giao thông vận tải với nhiều thế mạnh chở khối lượng hàng lớn, cự ly vận chuyển dài với chi phí rẻ. Phương thức vận tải thủy cũng được đánh giá là một giải pháp hướng đến chuỗi logistics "xanh" toàn diện.

Hà Nam: Cảng Thái Hà mở ra chiến lược vận tải “xanh”, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực - Ảnh 3.

Cảng Thái Hà xác định, lấy hiệu quả dịch vụ cung cấp cho khách hàng là thước đo thành công của doanh nghiệp

Hà Nam: Cảng Thái Hà mở ra chiến lược vận tải “xanh”, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực - Ảnh 4.

Cảng Thái Hà dần trở thành cảng cửa ngõ, một trung tâm logistics kết nối các tỉnh, cảng container tại khu vực Đồng bằng sông Hồng

Nhận định được tầm quan trọng nhu cầu vận tải hàng hóa trong giai đoạn mới, Cảng Thái Hà đã định hướng, tập trung đầu tư phát triển rất bài bản ngay từ đầu các cơ sở hạ tầng, bến bãi, kho hàng để trở thành cảng cửa ngõ, một trung tâm logistics kết nối các tỉnh, một cảng container tại khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà Nguyễn Văn Bình, mục tiêu đầu tư của dự án là xây dựng cảng đường sông dùng chung trên sông Hồng với công suất 1,5 triệu tấn/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận; đóng góp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong tháng 7/2023, Cảng Thái Hà chính thức đi vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa, giảm chi phí logistics.

Ông Lê Mạnh Cương, Giám đốc điều hành Cảng Thái Hà, cho biết thêm: Cảng đi vào hoạt động, góp phần tích cực cho việc giảm khí thải, giảm tải cho đường bộ. Đặc biệt là có lợi rất nhiều cho phía các doanh nghiệp về chi phí vận vận tải hàng hóa. Nếu là tàu container, cảng sẽ đáp ứng được tàu 135 tew, chạy thẳng nội địa Bắc Nam. Đối với đường thủy nội địa, cảng kết nối với cảng Hải Phòng. Hiện tại đang đi sà lan 72 tew, cứ đi 1 tuần 2 vòng kết nối với cảng Hải Phòng. Với 3 cầu tàu hiện có, chúng tôi có thể đáp ứng được 9 tàu cập mạn, khai thác 24/24h. Tàu 3.500 tấn, hiện nay chúng tôi tiếp nhận làm trong vòng 30 tiếng là xong.

Ông Đinh Văn Tuyên, Công ty vận tải Quang Cường, cũng cho biết: Trước đây không có cảng Thái Hà, doanh nghiệp phải đi xa, để xuống hàng, chi phí vận tải hàng hóa cao. Từ khi Cảng Thái Hà hoàn thành rất thuận tiện cho đoàn xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Cụ thể, nếu như trước đây chạy 1000 tấn có khi phải chạy hết 2,3 ngày. Bây giờ 1000 tấn chỉ chạy trong 1 ngày, hàng hóa lên xuống nhanh. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao năng lực vận tải hàng hóa.

Theo Cục đường thủy nội địa thì với 4 cầu tàu, Cảng Thái Hà có thể tiếp đón được tàu biển, tàu SB có tải trong đến 3.500 tấn, qua phương thức vận chuyển đường thuỷ. Cảng Thái Hà đi vào khai thác, có thể giúp khách hàng trong tỉnh và các khu vực lân cận tiết kiệm tối thiểu từ 25-30% trên tổng chi phí logistics đường bộ.

Cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 của Cảng Thái Hà có tổng diện tích 9,3 ha. Chiều dài cầu tàu 750m được bố trí 4 cầu tàu có thể tiếp đón được tàu biển, tàu SB có tải trọng đến 3.500 tấn. Hệ thống cẩu chân đế tiền phương có sức cẩu từ 35 đến 45 tấn. Xe nâng container reachstacker có sức nâng 45 tấn và các trang thiết bị khai thác, xếp dỡ, vận chuyển được đầu tư bài bản, thiết bị hiện đại có thể đáp ứng được mọi yêu cầu để khai thác các mặt hàng bách hóa thiết bị, hàng rời, hàng tổng hợp và hàng container. Cùng với đó là hệ thống trạm cân, kho bãi cũng được chú trọng đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu, sà lan ra vào cảng được thuận tiện, nhanh chóng. Lãnh đạo Cảng Thái Hà đã làm việc với Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, đặt một văn phòng đại diện để tiếp nhận các thủ tục ngay tại cảng, tiến tới làm điểm kiểm tra tập trung hàng hóa, xuất nhập khẩu tại đây.

Chiến lược kinh doanh của Cảng Thái Hà được xác định, lấy hiệu quả dịch vụ cung cấp cho khách hàng là thước đo thành công của doanh nghiệp. Cảng Thái Hà cam kết không ngừng phát triển và tăng trưởng trên nền tảng vững chắc, đồng thời tăng cường nguồn lực, tối ưu hóa quy mô và phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp để mang đến những giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng.

Cảng Thái Hà cũng đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị xếp, dỡ hàng hóa hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ 4.0 vào vào quản lý khai thác và vận hành sản xuất. Sau khi hoàn tất các thủ tục cấp phép của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại tỉnh Hà Nam sẽ được hưởng lợi về thời gian, thủ tục một cửa thuận tiện, nhanh chóng, giảm chi phí phát sinh do đi lại, đặc biệt hơn nữa, là tận thu được các nguồn thu xuất nhập khẩu về ngân sách của tỉnh.

Cần sự quan tâm hơn nữa

Nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông thủy, điểm sáng trong đầu tư FDI khu vực, lại được đầu tư bài bản, đáp ứng cùng lúc nhiều tàu tải trọng lớn, Cảng Thái Hà đang từ bước đánh thức tiềm năng tuyến vận tải đường thủy số 2, cụ thể hóa quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư, nâng cao nhu cầu vận tải hàng hóa trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cảng thủy nội địa Thái Hà, rất cần có sự quan tâm của Nhà nước trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết nối, nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh Hà Nam.

Hà Nam: Cảng Thái Hà mở ra chiến lược vận tải “xanh”, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực - Ảnh 5.

Cảng Thái Hà có vị trí thuận lợi cả về giao thông đường thủy và giao thông đường bộ

Hà Nam: Cảng Thái Hà mở ra chiến lược vận tải “xanh”, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực - Ảnh 6.

Cảng Thái Hà có thể tiếp đón được tàu biển, tàu SB có tải trong đến 3.500 tấn

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà, cho biết: Hiện nay, công ty đang mượn tạm đường để vận chuyển hàng hóa ra vào Cảng. Vì vậy, rất cần các Bộ, Ngành và tỉnh Hà Nam tạo điều kiện cho Công ty tiến hành đầu tư đoạn đường kết nối giao thông với Cảng Thái Hà. Đồng thời, sớm giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại để giao đất cho Công ty thực hiện Dự án, hoàn tất các thủ tục về đất đai. Cho ý kiến xử lý khối lượng bùn cát sau khi san lấp tại chỗ dư thừa đang được để tại sân bãi Cảng sau khi công ty hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, khối lượng dư thừa khi tiến hành nạo vét.

Hà Nam được đánh giá là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ, theo chuỗi liên kết Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh. Những năm gần đây, Hà Nam trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài FDI, đứng trong top 10 -15 tỉnh thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt nhất cả nước.

Từ lợi thế đó, cùng với việc quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Hà Nam còn quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa trên địa bàn. Tập trung xây dựng các tuyến đường kết nối giữa các khu công nghiệp trên địa bàn với hệ thống cảng thủy nội địa.

Ông Lê Tuấn Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển KCN Thái Hà, cho biết: Đối với giao thông đường thủy, cảng Thái Hà đưa vào khai thác sẽ nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN. Bởi các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI rất quan tâm đến việc đường cảng, vị trí KCN gần cảng và gần sân bay. Đặc biệt là việc kết nối đồng bộ cảng và hạ tầng khung giữa cảng thủy nội địa đến các khu công nghiệp. KCN Thái Hà ngay ở vị trí gần Cảng Thái Hà sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào KCN giảm chi phí sản xuất, vận tải, cung ứng hàng hóa.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Nam, hiện nay, tỉnh Hà Nam đang quy hoạch xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng, kết nối nội địa, kết nối giữa các khu công nghiệp tới các tuyến đường đến sân bay, cảng biển, đặc biệt là tới cảng thủy nội địa sao cho thuận tiện và rút ngắn khoảng cách. Một số tuyến đường đã được tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công, sẽ triển khai một cách nhanh nhất, đồng bộ nhất để đáp ứng được nhu cầu các nhà đầu tư. Khi các tuyến đường này hoàn thiện kết nối cảng thủy nội địa thì việc vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Hà Nam, cũng như các tỉnh xung quanh đi ra cảng biển Hải Phòng rất thuận lợi.

Cảng Thái Hà được đưa vào vận hành sẽ cụ thể hóa hoạt động, phát triển các cảng thủy nội địa và thúc đẩy hơn nữa mô hình vận tải xanh. Đây cũng là một lợi thế rất lớn cho tỉnh Hà Nam khi thu hút các nhà đầu tư, phát triển kinh tế. Cảng Thái Hà cũng tạo động lực thúc đẩy các khu cụm công nghiệp phát triển, là điểm nhấn, kết nối các tuyến đường chiến lược trong khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Ý kiến của bạn