Tin tức

Hạ Hòa và thành tựu trong xóa đói giảm nghèo

(VOVTV) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhiều năm qua, huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã quyết liệt triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhằm tạo động lực đưa cuộc sống của nhân dân cải thiện hơn.

Tác giả Đàm Trượng
27/09/2024 16:06

Để hiện thực hóa kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, một trong những khâu đầu được Hà Hòa triển khai, đó là công tác truyền thông.

Hạ Hòa và thành tựu trong xóa đói giảm nghèo- Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi bò tại huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ)

Theo đó, huyện đẩy mạnh tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. Tính từ năm 2022 đến nay, Hạ Hòa đã tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 1666 lượt cán bộ từ trưởng khu, bí thư chi bộ, cán bộ làm công tác giảm nghèo tham gia. Tổ chức 11 hội nghị đối thoại về giảm nghèo cho trên 1.000 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc các xã: Xuân Áng, Yên Kỳ, Đan Thượng, Ấm Hạ, Bằng Giã, Đại Phạm, Hiền Lương, Hương Xạ, Tứ Hiệp, Vĩnh Chân, Vô Tranh.

Nhắm đến mục đích cải thiện đời sống cho người dân, Hạ Hòa ngay trong thời gian đầu đã mở 3 lớp đào tạo nghề cho 105 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia tại xã Văn Lang, Hà Lương và Minh Côi. Ngoài ra, còn tập huấn nâng cao năng lực cho y tế thôn bản tuyến xã về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em với 2 lớp, thu hút được 90 người tham gia để phổ biến kiến thức đến người dân.

Trong "chiến dịch" giảm nghèo cho người dân, hơn 1,4 tỷ đồng (toàn bộ đều là vốn nhà nước) đã được dành để hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh cho 1.362 hộ là hộ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo tham gia.

Để đẩy mạnh hơn về phát triển kinh tế, các mô hình làm giàu chính đáng luôn được Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Hạ Hòa phối hợp với Đài Phát thành Truyền hình tỉnh Phú Thọ tổ chức phát sóng đến hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Báo Phú Thọ cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững trên cả ấn phẩm báo in và báo điện tử.

Hạ Hòa đã triển khai thực hiện Dự án đa dạng hoá sinh kế (Chăn nuôi bò sinh sản) tại 5 xã: Yên Kỳ, Lang Sơn, Xuân Áng, Hiền Lương và Văn Lang với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 55,5%, còn lại do nhân dân đối ứng. Dự án đang được tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong năm 2024 tại các xã, thị trấn.

Hạ Hòa và thành tựu trong xóa đói giảm nghèo- Ảnh 2.

Phát triển đẩy mạnh trồng cây ăn quả là một trong những lĩnh vực được Hạ Hòa quan tâm

Bên cạnh đó, sức khỏe thể chất của người dân cũng được địa phương dành sự quan tâm lớn. Hạ Hòa đã triển khai cân đo nhân trắc đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện (3.745 trẻ). Từ kết quả thu thập được, huyện đã giao cho các đơn vị triển khai việc bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho 152 đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi, 40 đối tượng trẻ em trên 5 tuổi thuộc xã Xuân Áng.

Bằng việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù về giảm nghèo song hành với nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Hạ Hoà, công tác giảm nghèo bền vững tại đây đã thu được những kết quả tích cực.

Tính đến hết năm 2023, số hộ nghèo ở Hạ Hòa ghi nhận 2.265 hộ (trên tổng số 35.163 hộ trong cả huyện) – giảm 1,36% so với năm 2022. Số hộ cận nghèo ghi nhận 1.653 hộ, giảm 7,1% so với năm trước đó.

Nhìn rộng ra trong cả kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Hạ Hòa đã thực tiện các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm vượt kế hoạch.

Lãnh đạo huyện Hạ Hòa cho biết, theo kế hoạch đến năm 2025, huyện chỉ tiêu giảm hộ nghèo năm 2021 từ 8,85% xuống 6,13%. Tính đến năm 2023, tỷ lệ đã giảm còn 6,38%. Với đà giảm này, khả năng huyện sẽ sẽ hoàn thành vượt mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025.

Có thể thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Dù vậy, song song với những điểm sáng, một số khó khăn, vướng mắc xuất hiện như: các văn bản hướng dẫn còn thay đổi nhiều, nhiều nội dung chưa rõ ràng, nên khi triển khai thực hiện còn lúng túng, khó thực hiện. Một số dự án yêu cầu thực hiện mang tính cứng nhắc theo quy định, chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Trước thực tế đó, huyện đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên linh hoạt với các chương trình dự án hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với điều kiện thực tế. Chẳng hạn như hỗ trợ xây dựng nhà ở, do thực tế các đối tượng bảo trợ phần lớn bị khuyết tật hoặc tuổi cao, không có khả năng lao động để thoát nghèo, nên không tham gia được vào các dự án, chương trình.

Hạ Hòa cũng có đề xuất nên xem xét vào điều kiện của từng địa phương để phân bổ nguồn vốn, không nên chia theo tỷ lệ do có thể gặp khó khăn trong khâu thực hiện.

Ngoài ra, cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể hoá văn bản để các địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo, kịp thời tổ chức sơ tổng kết rút kinh nghiệm các mô hình, các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh qua đó có thể chỉ đạo nhân rộng trên toàn tỉnh cũng như hạn chế sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ý kiến của bạn