Hà Giang, Ninh Bình và Bắc Giang xây dựng sân bay liệu có khả thi?
Câu chuyện các địa phương đua nhau xin xây sân bay từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí.
Đua nhau xin làm sân bay
Trong 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm.
Tăng trưởng hàng không gắn liền với tăng trưởng về du lịch, kinh tế - xã hội, tạo ra một thị trường lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ.
Vì vậy, nhiều địa phương đã đua nhau đề xuất xây sân bay dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch mạng lưới hàng không. Đặc biệt, những đề xuất này còn có thể sẽ tạo gánh nặng cho các các sân bay đầu mối đang hoạt động.
Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch. Vị trí quy hoạch sân bay đặt tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.
Cùng với đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng muốn quy hoạch sân bay tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang theo tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng. Sân bay có diện tích khoảng 388 ha, trong đó phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha.
Mới đây nhất, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ GTVT, đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu bổ sung và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sân bay Kép là sân bay quân sự trở thành sân bay lưỡng dụng, sử dụng cho cả mục đích dân sự vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây cũng không phải là những tỉnh đầu tiên đề xuất quy hoạch sân bay. Trước đây, cũng đã có các tỉnh đề xuất quy hoạch sân bay như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng và Hà Nội đề xuất xây sân bay thứ 2.
Trên thực tế, trong quy hoạch phát triển GTVT hàng không đến 2020, định hướng đến 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2018, trong 10 năm tới, cả nước có 28 cảng hàng không, gồm 15 cảng quốc nội và 13 cảng quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sân bay đã được đưa vào quy hoạch này song chưa được đầu tư xây dựng như Lai Châu, Sapa, Nà Sản, Phan Thiết, Quảng Trị, Rạch Giá.
Không khả thi và lãng phí
Đa số chuyên gia hàng không và kinh tế đánh giá nhu cầu hành khách tại tỉnh Hà Giang, Ninh Bình hay Bắc Giang là không cao và địa hình xây sân bay không thuận lợi.
Chuyên gia hàng không Nguyễn Bách Tùng cho rằng, Ninh Bình có lượng khách du lịch tăng cao những năm gần đây song nhu cầu đi lại của người dân địa phương không lớn. Trong khi đó, quy hoạch sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Cát Bi (Hải Phòng) đã tính công suất phục vụ hành khách tại các địa phương lân cận như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam.
Với sân bay Hà Giang, ông Nguyễn Bách Tùng cho rằng tỉnh này có đông khách du lịch theo mùa, song nhu cầu đi lại của người dân địa phương không cao. Hà Giang cũng không có diện tích đất rộng hàng trăm hec-ta bằng phẳng để xây sân bay.
Tuy nhiên, tỉnh Hà Giang hiện chỉ có đường bộ độc đạo nên có thể xem xét yếu tố đảm bảo an ninh, quốc phòng trong quy hoạch sân bay.
"Đường bộ từ Hà Giang tới các sân bay ở Lào Cai hay Cao Bằng khó khăn, nên khó phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, vấn đề này cần được lưu tâm", ông Tùng nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng hành khách có nhu cầu đi máy bay tại Ninh Bình không nhiều và đã có các lựa chọn như đến sân bay Thọ Xuân hay Nội Bài vì các đường bay quốc tế và nội địa đã ổn định.
“Nếu đầu tư sân bay Ninh Bình thì sẽ lỗ vì vắng khách, các hãng hàng không không mặn mà mở đường bay đến các sân bay nhỏ”, ông Tống nói.
Tương tự như Hà Giang, ông Tống cho rằng nếu sân bay chỉ phục vụ cho dân địa phương thì đầu tư sẽ lỗ. Trong khi đó, chi phí xây dựng rất lớn, sẽ lãng phí và không hiệu quả. "Sân bay nhỏ công suất 500.000 hành khách mỗi năm thì không đủ chi phí đầu tư mới, vận hành", ông Tống nói.
Một chuyên gia hàng không khác cũng đánh giá nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước đến Ninh Bình và Hà Giang lớn, song khách thường đến thăm nhiều nơi chứ không chỉ du lịch một tỉnh. Ví dụ khách du lịch đến Lào Cai rồi đi các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc. Do đó, tính lượng khách đến Hà Giang làm căn cứ xây sân bay là thiếu chính xác và mục đích xây để phục vụ du lịch là chưa đủ. Còn với sân bay Bắc Giang, cũng không cần thiết, vì quá gần sân bay Nội Bài...
Vị chuyên gia cho rằng, việc xây mới cần tính toán nhiều tiêu chí kinh tế xã hội, địa hình trong tổng thể mạng lưới cảng hàng không toàn quốc và theo hình thức xã hội hóa nên càng phải tính toán kỹ lưỡng.
“Phát triển sân bay không nên phạm sai lầm như xây cảng biển và nhà máy đường trước đây. Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, nhưng quan trọng nhất là cần có tính toán chính xác về hiệu quả kinh tế.
Sân bay thì chỉ có máy bay cất và hạ cánh, còn đường cao tốc thì xe chở hàng hóa, chở người đều khai thác được, thúc đẩy giao thương kinh tế hơn so với sân bay...”, vị chuyên gia phân tích.
Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, câu chuyện các địa phương đua nhau xin xây Cảng hàng không, sân bay đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí.
“Cả nước hiện có 23 sân bay, nhưng chỉ 6 - 7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ. Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân..., vì đầu tư sân bay rất tốn kém”, ông Long cho hay.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, dù đầu tư từ vốn Nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội. Đất nước còn nghèo, cần sử dụng hiệu quả.
"Một tỉnh có thể có 3 sân bay nếu chứng minh được chúng thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương hay phục vụ đặc khu kinh tế ", ông Long nói.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, cũng cần tránh đề xuất làm sân bay vì mục đích khác, như để kích cầu và đẩy giá bất động sản. Hàng không là phương tiện đi lại xa xỉ, không phải đa số người dân đều tiếp cận được.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, cần dẹp bỏ tư duy làm sân bay theo phong trào tỉnh nào cũng có sân bay cho oai, còn hiệu quả không thì không tính đến. Cũng có thể, đó chỉ là những chiêu trò “thổi” giá đất của một nhóm lợi ích.
Nhiều sân bay hoạt động cầm chừng, thua lỗ
Lãnh đạo ACV từng tiết lộ rằng, trước đây trong toàn hệ thống cảng hàng không, chỉ có Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng có lãi; gần đây có thêm 3 cảng: Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài có lãi, trong đó, Liên Khương và Phú Bài mới chỉ bắt đầu vượt qua mức cân đối thu chi và có lãi. 15 cảng hàng không còn lại của ACV đều đang đối mặt với tình trạng thua lỗ.
Trong đó, có những sân bay mỗi năm lỗ 80 - 90 tỷ đồng (Vinh, Tuy Hòa, Cần Thơ). Một số cảng khác lỗ ít hơn, dao động trong khoảng 40 - 60 tỷ đồng, như Đồng Hới, Phú Quốc, Phù Cát...
Những cảng tưởng chừng như có lãi (Côn Đảo, Cát Bi), thực tế mỗi năm cũng lỗ gần 10 tỷ đồng. Ngay như sân bay Thọ Xuân mới đầu tư và lượng khách đã vượt công suất thiết kế song vẫn đang lỗ tới hơn 60 tỷ đồng/năm.
Tin nổi bật
Tin Video