Tin tức

Gói 26.000 tỷ: Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp - cắt bỏ thủ tục rườm rà

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp sẽ phải rà soát, cắt bỏ 60% các thủ tục rườm rà.

04/07/2021 07:39

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng lần này có nhiều điểm mới so với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng năm trước. Đó là giản lược đến 2/3 thủ tục, điều kiện, đơn giản, thông thoáng nhất. 

So với gói hỗ trợ trước, thủ tục tiếp nhận, xem xét và giải quyết các hồ sơ là 4 ngày, thì nay cần rút xuống chỉ 1 - 2 ngày. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ này, Trung ương sẽ ứng trước một phần kinh phí cho các địa phương. Đặc biệt, mỗi Thứ trưởng được giao phụ trách một lĩnh vực, phải sát sao và có trách nhiệm đến cùng.

“Bây giờ tinh thần là cái gì luật không bắt buộc thì không cần. Thậm chí có những nội dung trước đây trong Nghị quyết 42, xây dựng trong một chính sách rất đặc thù, một quyết định chưa có tiền lệ, khi đó cũng chưa hình dung hết, nhưng sau Nghị quyết 42 mới rút ra kinh nghiệm. 

Với tinh thần đó thì thêm một nguyên tắc là: tinh giản tối đa các thủ tục làm sao để thông thoáng nhất. Chẳng hạn như miễn giảm quỹ an toàn lao động, chỉ cần 1 quyết định là doanh nghiệp đứng ra, đến cơ quan bảo hiểm đưa toàn bộ danh sách đã đóng hàng tháng, sau đó cơ quan bảo hiểm ra quyết định hỗ trợ ngược trở lại ngay”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Một "điểm nghẽn" của gói hỗ trợ lần trước là tiêu chí và mức hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác nay đã được tháo gỡ. Chính phủ cũng đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu, phân quyền về cho địa phương tự xây dựng. 

Lao động tự do không còn nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng kéo dài tối đa không quá 3 tháng như trước đây. Thay vào đó, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách địa phương để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể song không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày. Chính phủ rất hoan nghênh các địa phương hỗ trợ cao hơn "mức sàn" quy định.

Gói 26.000 tỷ: Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp - cắt bỏ thủ tục rườm rà - Ảnh 1.

Doanh nghiệp và người lao động kỳ vọng, sẽ được nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng một cách nhanh chóng, thuận tiện

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm: “Chính phủ có chủ trương hỗ trợ nhóm nhưng chủ trương này giao toàn quyền cho các địa phương căn cứ vào khả năng ngân sách của mình để chủ động xây dựng tiêu chí. Chẳng hạn trong gói 886 tỷ đồng của TP.HCM vừa thông qua thì cũng xác định một số nhóm như xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo… Hà Nội cũng như vậy, hay Đà Nẵng vừa qua cũng huy động để hỗ trợ cho lực lượng hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng… Do đó chúng tôi cho rằng cách xử lý như vậy sẽ hợp lý hơn”.

Nghị quyết mới cũng bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng. Chẳng hạn, các F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư (27/4) đến cuối năm 2021 song không quá 45 ngày (tương đương 3,6 triệu đồng), các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 21 ngày (1,68 triệu đồng). Trẻ em mắc Covid-19 hoặc cách ly y tế cũng được Nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn, chưa kể mức hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/cháu trong thời gian điều trị, cách ly.

Giáo viên mầm non (kể cả trường công và tư thục), nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Lao động nữ phải hoãn, ngừng, nghỉ việc không lương hoặc mất việc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi hoặc mang thai còn được nhận thêm 1 triệu đồng ngoài các chính sách đã được hỗ trợ theo quy định.

Thay vì được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng như gói hỗ trợ trước, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương sẽ được hỗ trợ một lần với mức 1,855 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng, hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên.

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người/lần duy nhất...

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kinh nghiệm từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho thấy, nếu các điều kiện đưa ra quá cao hoặc thủ tục rườm rà, xác định trách nhiệm không rõ và phân cấp không mạnh cho các địa phương thì người lao động và người sử dụng lao động sẽ rất khó tiếp cận chính sách, bị ách tắc trong việc triển khai.

Nghị quyết 68 lần này đã cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà nhằm đảm bảo tính khả thi, hỗ trợ kịp thời, đúng người, đúng đối tượng. Sau khi ban hành Nghị quyết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần ban hành hướng dẫn kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Bà Hồ Thị Kim Ngân nêu ý kiến: “Tiêu chí của Nghị quyết lần này rất rõ, ví dụ như người lao động chấm dứt hợp đồng lao động dưới 1 tháng, không gắn với điều kiện doanh nghiệp phải đang sản xuất hay ngừng sản xuất, chỉ cần người lao động có quyết định dừng hợp đồng lao động dưới 1 tháng thì hưởng 1.800.000 đồng. Với người lao động trên một tháng thì được hỗ trợ một lần là 3.710.000 đồng, tức là rất cụ thể và không gắn với điều kiện doanh nghiệp. Nghị quyết có sự linh hoạt và đó là điều mà chúng ta có thể tin rằng, sẽ thực hiện được một cách tốt hơn khi các điều kiện không có sự ràng buộc giữa doanh nghiệp với người lao động”.

Dự kiến, tuần tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ ban hành văn bản để các địa phương có thể bắt đầu triển khai trong thực tế. Bộ cũng sẽ mở ngay chuyên mục để giới thiệu chi tiết về Nghị quyết, các chính sách mới cũng như tiếp nhận giải đáp các thắc mắc. 

Đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến gói hỗ trợ lần này. Hy vọng gói hỗ trợ 26.000 tỷ sẽ sớm được giải ngân và sớm đến tay người lao động một cách nhanh nhất.

Ý kiến của bạn