Gò đá Mani - Nét văn hóa độc đáo của người Tạng nơi đầu nguồn Mekong - Lan Thương
(VOVTV) - Nếu có dịp đến các khu vực có người Tạng sinh sống ở Trung Quốc, bạn sẽ bắt gặp những gò đá Mani ở khắp mọi nơi. Đây là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Tạng và Phật giáo Tây Tạng.
Tại Trung Quốc, người dân tộc Tạng thường sinh sống ở những vùng núi cao. Ở đây, sỏi đá có ở khắp mọi nơi và người dân sống trong những vùng Phật giáo Tạng truyền coi đá là vật có sự sống và linh khí. Với lòng mộ đạo, người Tạng đã bày tỏ tấm lòng thành tín của mình bằng cách khắc lên đá câu Lục tự Đại minh Chân Ngôn (tức Châm ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ) (Om Mani Padme Hum), Đại Tạng Kinh, cũng như tượng Phật và những hình ảnh mang ý nghĩa may mắn, đồng thời trang trí chúng bằng màu sắc sặc sỡ.
Trong đó, nội dung được khắc nhiều nhất là Chân ngôn. Câu Chân ngôn tiếng Phạn này được xem là Chân ngôn cầu Quan Thế Âm Bồ Tát, cũng là Chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Mani là cách gọi tắt của Chân ngôn và đá khắc Chân ngôn được gọi là đá Mani.
Ở những nơi có người Tạng sinh sống, đâu đâu cũng thấy đá Mani, từ trên núi, các ngã tư đường, tới ven hồ, ven sông. Đá Mami ở đây không chỉ là những viên đá hay tảng đá, mà còn là cả những ngọn núi đá. Khi lái xe trên đường, bất giác người ta lại nhìn thấy đá Mani.
Tại xã Nương Lạp (Niangla) thuộc huyện Nang Khiêm, khu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải, nơi có sông Trát Khúc, dòng chính ở đầu nguồn Mekong – Lan Thương chảy qua, có một gò đá Mani lớn mang tên Cát Nhân Đạt (Ji Renda). Hàng triệu viên đá nhỏ và cả những phiến đá và tảng đá Mami lớn đã được xếp tại đây.
Một quan chức địa phương cho biết , những nơi có đá Mani thường là những khu vực hiểm trở hay vùng đất thiêng. Còn theo ông Lý Đại Cơ (Li Daiji), Bí thư Đảng ủy xã Nương Lạp, những nơi đặt gò Mani thường do các nhà sư Phật Tạng hay Lạt-ma tìm địa điểm và cúng tế. Người dân địa phương thường đến đây để cầu nguyện mỗi dịp quan trọng.
Anh Naou, một người dân trong xã, cùng người anh của mình đến gò Mani để đặt những viên đá đã được khắc Chân ngôn và kinh Phật: “Mẹ tôi bị ốm, đây là lần thứ hai tôi đến đây đặt đá Mani để cầu mong cho bà sớm bình phục.”
Anh Naou cho biết, những viên đá Mani này là do người em của anh khắc. Cả anh và em trai của anh đều biết khắc đá. Họ là những người dân du mục, giờ đây khắc đá Mani giúp họ có thêm thu nhập.
Ông Lý Đại Cơ cho biết, gò đá Cát Nhân Đạt có lịch sử hơn 600 năm. Đây là một trong ba gò đá Mani lớn nhất và nổi tiếng ở vùng Khang Ba (còn gọi là Kham) trải rộng khắp 4 tỉnh của Trung Quốc, gồm phía Đông Tây Tạng, phía Nam Thanh Hải, phía Tây Tứ Xuyên và Tây Bắc Vân Nam.
Người dân trong vùng và nhiều nơi đều đến đây đặt đá cầu nguyện. Tuy nhiên, vì gò đá Mani đã quá lớn, để làm tốt công tác bảo tồn, chính quyền địa phương đã đưa ra một số quy định về số lượng và mục đích đặt đá. Theo đó, người dân chỉ được đặt đá lên gò khi có việc lớn cần cầu nguyện, như có con chuẩn bị thi vào đại học hoặc trong nhà có người đau ốm hay tưởng niệm người thân, bạn bè đã mất... và phải thông báo với sở tại.
Bên cạnh đó, người dân không được mang đá từ nơi khác đến, mà chỉ được dùng đá được khắc thủ công ở địa phương. Việc làm này, theo ông Lý Đại Cơ, là nhằm mục đích đảm bảo chất lượng khắc đá, duy trì truyền thống, hạn chế đá khắc bằng máy và khống chế quy mô gò đá, bởi đến nay gò đá đã rất lớn và có nguy cơ bị đổ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến cảnh quang.
Người dân địa phương khắc sẵn những viên đá Mami và đặt ở gần gò. Những người có nhu cầu có thể quét mã QR để thanh toán. Không có giá niêm yết, người dùng trả giá tùy tâm. Giá tiền có thể từ vài nhân dân tệ đến vài chục nhân dân tệ, tùy độ to nhỏ của từng viên đá.
Với các quy định trên, người dân địa phương đã có thêm nghề phụ là khắc đá. Anh Zhaxi, năm nay hơn 30 tuổi nhưng đã có thâm niên gần 10 năm khắc đá cùng cha: “Tôi là người xã Nương Lạp. Tôi khắc đá từ năm 2015. Thu nhập cũng ổn, mỗi năm được khoảng 30.000-40.000 nhân dân tệ.”
Đá Mami là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc dân gian truyền thống Tây Tạng. Cùng với cờ phong mã hay phướn kinh ngũ sắc theo tiếng Hán và vòng xoay kinh luân, khắc đá Mani và gò đá Mani đã trở thành những biểu tượng văn hóa của người Tạng và Phật giáo Tây Tạng. Giờ đây, khắc đá Mani còn giúp người dân Tạng cải thiện đời sống và gìn giữ nghệ thuật điêu khắc truyền thống.
Tin nổi bật
Tin Video