Tin tức

Giữa Thủ đô, nhiều người vẫn bị lừa tiền tỷ qua điện thoại

Việc tiếp cận thông tin đối với người dân Thủ đô Hà Nội không phải là khó, thế nhưng mặc dù được cảnh báo nhiều nhưng thời gian gần đây vẫn có nhiều người bị lừa tiền tỷ qua điện thoại.

14/09/2021 11:57

Nhận được một cuộc điện thoại từ những người tự xưng là cán bộ VKS, cán bộ ngành công an, hay điện lực và được thông báo là bạn đang bị ngân hàng khởi kiện vì chậm thanh toán, hoặc đang nằm trong đường dây rửa tiền, buôn ma túy thì chắc hẳn ai cũng lo lắng, hoang mang. Giây phút lo sợ không kịp kiểm chứng lại thông tin đã khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của hành vi chiếm đoạt tài sản.

Báo vi phạm qua điện thoại, mất tiền khi cung cấp mã OTP

Mới đây nhất, ngày 26/8, ông T. (sinh năm 1956; ở quận Ba Đình) đến Công an phường Liễu Giai trình báo việc nhận được điện thoại từ một đối tượng nói tài khoản của ông có liên quan đến vụ án ma túy. Đối tượng đã yêu cầu ông T chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra. Sau khi ông T. ra ngân hàng chuyển tiền, thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì phát hiện tài khoản bị rút mất 1,6 tỷ đồng. Lúc này ông T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Giữa Thủ đô, nhiều người vẫn bị lừa tiền tỷ qua điện thoại - Ảnh 1.

Hình minh họa

Bằng thủ đoạn tương tự, ngày 22/8 vừa qua, chị T. (sinh năm 1979; ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) mất toàn bộ số tiền 520 triệu trong tài khoản vì nghe một cuộc điện thoại giả danh cán bộ điện lực.

Theo cơ quan Công an, mặc dù đã liên tục cảnh báo, nhưng thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thường là: Sử dụng công nghệ cao, ẩn danh hoặc giả danh số điện thoại giống số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thông báo cho nạn nhân đang bị kiện, nợ ngân hàng… Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân thực hiện các thao tác kê khai thông tin cá nhân, số tài khoản hòng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Theo Trung tá Lê Văn Hải, đội trưởng Đội điều tra Trọng án, phòng cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu các vụ lừa đảo trên, do các đối tượng thường nhằm vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân về kiến thức pháp luật. Trong đó, có một số người có học vấn với tâm lý ngại va chạm cơ quan pháp luật, sợ bị ảnh hưởng đến gia đình, danh dự, uy tín.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè, tránh bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo như trên. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Các cơ quan pháp luật không được phép làm việc qua điện thoại

Theo các cơ quan chức năng, để tránh mắc phải những thủ đoạn lừa đảo này, quan trọng nhất là mỗi người dân tự nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng bị cho bản thân. Bởi, hiện nay, quá trình điều tra xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và xác định đối tượng phạm tội. Loại tội phạm này ít khi được phát hiện bằng việc bắt quả tang mà chủ yếu là qua lời khai bị hại, sau đó cơ quan điều tra lập chuyên án, truy xét, căn cứ theo các dấu vết dữ liệu điện tử để truy nguyên ra nguồn gốc tội phạm.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc, Hãng Luật TGS, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của các đối tượng lừa đảo qua điện thoại đã có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ luật hình sự) hoặc “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (Điều 290 Bộ luật hình sự), với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Giữa Thủ đô, nhiều người vẫn bị lừa tiền tỷ qua điện thoại - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Liên quan vụ việc thế này, Bộ Công an liên tục ra cảnh báo, do đó, theo quy định của pháp luật thì các cơ quan pháp luật không được phép làm việc qua điện thoại, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Khi cần xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc/vụ án, các hành vi vi phạm tội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì các cơ quan có thẩm quyền phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập công dân đến làm việc tại trụ sở cơ quan.

Việc yêu cầu người dân nộp tiền phạt, hoặc khắc phục hậu quả hành vi vi phạm pháp luật phải được thể hiện bằng văn bản (dựa trên kết quả điều tra xác minh về vụ việc trong đó, có việc làm việc trực tiếp với các cá nhân có liên quan), và phải được nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra, kho bạc hoặc cơ quan thi hành án, không thể có việc nộp tiền vào tài khoản cá nhân hay bất kỳ tài sản nào khác.

Do đó, để phòng tránh việc bị lừa đảo thì người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin và thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng, không cung cấp các thông tin cá nhân và thông tin về tài khoản của mình cho các đối tượng lạ; Không chuyển tiền cho bất cứ ai, theo bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết; cũng như kịp thời trình báo sự việc bất thường với các cơ quan Công an, để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo nêu trên, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo đúng quy định của pháp luật.

Để khắc phục tình trạng này, luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông, báo chí cũng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hiểu biết cho người dân, giúp người dân có những kiến thức cần thiết, để có thể tự bảo vệ mình, không trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường hơn nữa công tác điều tra, xác minh và xử lý nghiêm minh các hành vi lừa đảo này, để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân, cũng như nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Ý kiến của bạn