Khám phá

Giữ màu xanh rừng Trần Hưng Đạo

(VOVTV) - Với người dân Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, không chỉ là "địa chỉ đỏ" trong việc tuyên truyền giá trị lịch sử mà còn là niềm tự hào về mảnh đất gắn liền với cha ông họ trong việc xây dựng lên mảnh đất giàu truyền thống này.

Tác giả Công Luận / VOV Đông Bắc
20/12/2020 17:34

Những ngày tháng 12, cùng chúng tôi băng qua cánh rừng Trần Hưng Đạo, ông Nông Đình Chiến, năm nay hơn 70 tuổi, một người uy tín của bản Um tự hào chia sẻ về mảnh đất gia đình ông đã gắn bó bao đời nay. Ông Chiến và những người nông dân trên đất Nguyên Bình coi cánh rừng Trần Hưng Đạo là một phần lịch sử không thể thiếu trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Giữ màu xanh rừng Trần Hưng Đạo  - Ảnh 1.

Điểm di tích thành lập Đội VNTTGPQ nằm giữa khu rừng cây cối xanh tốt

Khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập, bản Um có 2 người tham gia, cha ông họ và cánh rừng này đã đùm bọc, chở che đội quân tiên phong của cách mạng trong những ngày đầu gian khó nhất. Ông Nông Đình Chiến và những người dân bản Um vẫn coi khu rừng như một tài sản quý giá mà tất cả mọi người phải trân trọng, giữ gìn.

Ông Chiến hào hứng giới thiệu từng thân cổ thụ, này là những cây Sâu Sâu cao tới vài chục mét, kia là những thân Xả Cài trăm tuổi, dưới lán nghỉ là cây Sấu được công nhận Cây di sản Việt Nam tới mấy người ôm không xuể... Suốt hàng chục năm qua, cả cánh rừng già trăm tuổi vẫn nguyên vẹn, chưa có bất cứ vụ cháy, vụ chặt phá rừng trái phép nào xảy ra.

Giữ màu xanh rừng Trần Hưng Đạo  - Ảnh 2.

Với ông Nông Đình Chiến, Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) khu rừng Trần Hưng Đạo là một phần lịch sử quê hương mà ông và thế hệ con cháu có trách nhiệm phải giữ gìn

Ông Chiến cho biết: "Từ xưa tới nay bà con vẫn coi đây như rừng của gia đình mình, mỗi cuộc họp xóm đều có đưa ra việc bảo vệ rừng này. Những ai đi lấy củi, lấy thuốc là phải nhắc nhở ngay là không được đi vào rừng đặc biệt này. Theo hương ước xóm, tôi luôn nhắc nhở con cháu gìn giữ màu xanh cánh rừng này không để mất đi, chỉ có phát triển cho nó tốt hơn thôi, ai mà đi vào đây chặt cây làm nương là báo ngay cho ông để ông lên báo xã và báo cho Ban Quản lý khu di tích biết để xử lý".

Giữ màu xanh rừng Trần Hưng Đạo  - Ảnh 3.

Cây sấu cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam trong rừng Trần Hưng Đạo

Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân chân núi Lam Cao với diện tích hơn 201 ha, thuộc 2 xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, nhưng chủ yếu thuộc Bản Um, xã Tam Kim. Bản Um hiện có 125 hộ gia đình thuộc 2 dân tộc Tày và Dao. Cho dù cuộc sống của cả bản phụ thuộc vào nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo của bản còn khá cao, đời sống người dân xưa nay phụ thuộc nhiều vào rừng.

Khi khu rừng này được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, người dân tự giác chấp hành quy định: không vào rừng săn bắt, lấy củi, thu hái cây dược liệu hay lấy gỗ làm nhà, dù khi đó cả xóm thuộc diện khó khăn của xã. Cây nào gãy đổ cũng phải lập biên bản, để nguyên hiện trạng trong rừng, không cho bất cứ ai chuyển dù là nhánh củi ra ngoài. Dù hiện nay, rừng đã được giao cho Ban Quản lý khu di tích, nhưng người dân vẫn coi việc giữ rừng là trách nhiệm của mình.

Giữ màu xanh rừng Trần Hưng Đạo  - Ảnh 4.

Các loại cây được gắn biển tên để tiện cho du khách tham quan, tìm hiểu

Anh Nông Ngọc Thành, Trưởng bản Um, xã Tam Kim nói: "Hương ước, quy ước của thôn có 1 điều, trong đó là phải bảo vệ khu di tích, không được chặt phá rừng. Ý thức bảo vệ của bà con rất tốt, được lãnh đạo xã, thôn tuyên truyền nhắc nhở nên bà con luôn chấp hành. Ban quản lý di tích họ cũng có một bộ phận quản lý rừng, thường xuyên nhắc nhở vận động nên bà con cũng không vào đó chặt cây, lấy củi".

Giữ màu xanh rừng Trần Hưng Đạo  - Ảnh 5.

Học sinh trường Tiểu học Hoa Thám, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình tham gia hoạt động ngoại khóa tại khu di tích

Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo được bắt đầu xây dựng năm 1994 và được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Chị Nông Thị Bích, Phó Trưởng phòng Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng cho biết: "Nhờ sự hỗ trợ tích cực và ý thức của người dân, khu vực trung tâm rừng đặc dụng và cả các khu vực vùng đệm đều được bảo vệ tốt." 

Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo đã trở thành địa chỉ đỏ thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan mỗi năm. Du khách đến đây không chỉ được hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn được hòa mình cùng thiên nhiên, cây cỏ, tận hưởng khí hậu trong lành giữa rừng nguyên sinh.

Giữ màu xanh rừng Trần Hưng Đạo  - Ảnh 6.

Các em học sinh được tìm hiểu lịch sử dân tộc và hiểu thêm về cảnh quan môi trường tự nhiên qua chuyến tham quan khu di tích

Cô giáo Đàm Ánh Nguyệt, giáo viên trường Tiểu học Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Trường Tiểu học Hoa Thám, giáp xã Tam Kim, nên hôm nay chúng tôi đưa các em đến đây tìm hiểu truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam để các em noi theo truyền thống ấy. Cảnh quan ở đây được bảo vệ tốt, nên các em cũng rất hào hứng, qua đó giúp các em hiểu thêm mình cần gìn giữ, bảo vệ như thế nào. Đến đây các em đến đây sẽ học được thêm nhiều điều về cảnh quan, môi trường tự nhiên".

Rừng Trần Hưng Đạo đối với ông Chiến, anh Thành, cô giáo Nguyệt... và những người dân bản Um không chỉ là niềm tự hào mà còn là một phần lịch sử quê hương. Gìn giữ màu xanh của cánh rừng cũng chính là một cách để họ trân trọng công lao, đóng góp của thế hệ đi trước và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Ý kiến của bạn