Văn hóa - Du lịch

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan tại Tuyên Quang

(VOVTV) - Cao Lan (hay còn gọi là Sán Chay) là dân tộc thiểu số chiếm dân số khá đông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với hơn 70 nghìn người. Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt, huyện Yên Sơn đã đạt đượcc những thành tựu tích cực trong việc chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc song hành với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tác giả Đàm Trượng
16/07/2024 17:08

Điều này được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện Yên Sơn nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã xây dựng kế hoạch năm 2024, thực hiện Đề án xây dựng Làng văn hoá dân tộc Cao Lan (tại thôn Động Sơn, xã Chân Sơn) nhằm mục đích phát triển du lịch cộng đồng; khảo sát và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Chân Sơn hỗ trợ các hộ gia đình làm dịch vụ homestay chỉnh trang khuôn viên, nhà cửa đảm bảo quy định nhà ở có phòng cho thuê. 

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan tại Tuyên Quang- Ảnh 1.

CLB giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Cao Lan (thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) tập luyện các điệu múa truyền thống

Để giữ gìn bản sắc của địa phương, Yên Sơn đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bàn giao, đưa vào sử dụng công trình Nhà trung tâm bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Cao Lan; Nhà trưng bày sản phẩm tại thôn Động Sơn. Ngoài ra, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá các sản phẩm du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Yên Sơn, đưa hình ảnh du lịch của huyện là điểm đến "An toàn, thân thiện, hấp dẫn" đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Từ đây, nét đẹp văn hoá, văn nghệ của đồng bào Cao Lan từng bước tiếp cận được khách du lịch trong và ngoài nước với đặc trưng là điệu hát Sình Ca (hát ví) và các điệu múa dân gian. Ngoài ra, người Cao Lan còn có điệu múa khai đèn, múa dâng hương, dâng hoa, múa xúc tép, múa giã cốm, múa tra hạt… Trong đó, có nhiều điệu múa được các câu lạc bộ giữ gìn bản sắc, thường biểu diễn trong các lễ hội, liên hoan văn hoá, văn nghệ các cấp.

Quá trình tôn vinh, bảo tồn nét đẹp của người dân tộc Cao Lan gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã giúp huyện Yên Sơn đạt được những thành công nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển du lịch - dịch vụ nhằm mang lại nguồn thu cho người dân. Trong 6 tháng đầu năm, Yên Sơn đã thu hút trên 165.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 155 tỷ đồng (đạt 65 % kế hoạch đề ra). Qua đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt đạt 1.770 tỷ đạt 50 % kế hoạch, giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 10,1 triệu USD đạt 50% kế hoạch. Yên Sơn cũng duy trì hoạt động của 16 chợ đạt tiêu chí đảm bảo đáp ứng việc trao đổi và lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục được tăng cường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi kinh doanh trái phép, chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 74 vụ, thu ngân sách trên 333,8 triệu đồng.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan tại Tuyên Quang- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đi kiểm tra tình hình phát triển cây bưởi và tình hình sản xuất tại vùng trồng bưởi có liên kết xuất khẩu tại xã Xuân Vân. Cây bưởi là một trong những sản phẩm được huyện Yên Sơn chú trọng với diện tích trên 4.246,7 ha nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất tại địa phương.

Nhờ công tác triển khai, nắm bắt tình hình kịp thời, đồng thời siết chặt kiểm tra, giám sát, hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện được đánh giá có bước tăng trưởng tích cực và phát triển đa dạng, chất lượng cung cấp dịch vụ từng bước được nâng lên. Từ đó, các hoạt động kinh doanh của dịch vụ nhìn chung đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Chất lượng dịch vụ, bưu chính, viễn thông trên địa bàn huyện tiếp tục được nâng cao, 100% các xã, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính công ích gắn với thực hiện cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số.

Theo lãnh đạo địa phương, một trong các mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội tại huyện trong thời gian tới là gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương vùng cao. "Chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu, thu hút đầu tư phát triển du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án làng văn hóa dân tộc Cao Lan cũng như chú trọng vào Đề án sản xuất, phát triển hàng hóa các sản phẩm chủ lực gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao hưởng ứng Lễ hội Thành Tuyên năm 2024 và chuẩn bị các điều kiện tổ chức ngày Hội Văn hóa các dân tộc toàn tỉnh tại thôn Động Sơn" - ông Nguyễn Hữu Phương, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết.

Với nhiều hoạt động văn hoá, đồng bào dân tộc Cao Lan đã và đang cùng với các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh, cùng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đã và đang tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc dân tộc nhằm từng bước làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Từ đó, đóng góp xây dựng quê hương Yên Sơn tiếp tục phát triển.

Ý kiến của bạn