Tin tức

Giới trẻ nói gì trước vấn nạn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường?

(VOVTV) - Bạo lực học đường đang là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Là những người vừa trải qua quãng thời gian là học sinh, giới trẻ nghĩ gì về điều này?

Tác giả Thanh Hồng / VOVTV
11/12/2020 14:56

Bạo lực học đường - câu chuyện đáng lẽ không nên xảy ra ở môi trường giáo dục, nơi mà đang hướng con người đến văn minh và vươn tới đỉnh cao của tri thức. Thế nhưng, vấn đề nào cũng có hai mặt, thậm chí, hiện tượng này đang vượt ngoài sức tưởng tượng của phụ huynh, thầy cô và toàn xã hội.

Vấn nạn này xảy ra nhiều ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT. Đây là độ tuổi đang trong giai đoạn có nhiều chuyển biến về tâm sinh lý: có sự ngang bướng, ngông nghênh và coi mình là "vũ trụ của nhân loại". Vậy cách nhìn nhận của giới trẻ - những người vừa trải qua độ tuổi này nghĩ gì và nói gì về hiện tượng bạo lực học đường ?

Góc nhìn của giới trẻ về vấn nạn bạo lực của lứa tuổi học sinh

Trong khi đất nước đang ngày càng phát triển theo hướng tích cực thì văn hoá ứng xử của lớp trẻ đang đi ngược lại. Thật đáng thất vọng với một bộ phận các em học sinh chỉ biết sử dụng "nắm đấm" để giao tiếp xã hội. Điều này có lẽ nằm ở ý thức, nhận thức thế giới quan của các em. Song, nhà trường và gia đình có lẽ cũng là yếu tố hình thành và ảnh hưởng đến phát triển nhận thức của lớp trẻ. Khi hai môi trường này không đủ sát sao, quan tâm và giáo dục các em cũng khiến các em đi chệch hướng phát triển của xã hội.

Góc nhìn của giới trẻ về nạn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực của học sinh - Ảnh 3.

Minh họa về bạo lực học đường

Trước tình trạng một số vụ việc bạo lực học đường để lại hậu quả nghiêm trọng như gầy đây, xã hội có cần nghiêm chỉnh tìm ra giải pháp chấm dứt vấn nạn này? Quả thật, đây cũng là bài toán khó của ngành giáo dục, đòi hỏi nhà trường, gia đình và toàn xã hội phối hợp tìm ra lời giải. Vậy bạo lực học đường xử lý sao cho hợp lý?

Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, khi hình thức kỷ luật học sinh được giảm xuống, cũng cần đề cao vai trò của nhà trường. Bởi nếu không thường xuyên được dạy kỹ năng sống, tuyên truyền hậu quả của bạo lực học đường, học sinh sẽ dễ dàng "nhờn" và đối phó, bởi quy định đình chỉ học tập cao nhất 2 tuần là chưa đủ sức răn đe.

Gia đình cũng cần sát sao quan tâm, nhanh nhạy nhận biết sự thay đổi tâm lý của con em mình. Đồng thời, phụ huynh nên để các em trong lứa tuổi này được tham gia các hoạt động thể chất và vận dụng trí tuệ ngoài trời, thay vì ở nhà "làm bạn" với chiếc smartphone. Bởi lẽ, khi chưa có đủ kiến thức, nhận thức về văn hoá lành mạnh, các em sẽ dễ bị lôi kéo bởi các nội dung xấu trên mạng xã hội. 

Xã hội đang ngày càng nhiều các tổ chức hoạt động truyền thông về phòng chống vấn nạn bạo lực học đường của lứa tuổi học sinh như các Csaga, Good Neighbors.... Điều này sẽ có ích trong việc xây dựng chủ đề hoạt động ngoại khoá cho học sinh. 

Ý kiến của bạn