Tin tức

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Gạo ST25 mất "vương miện" là bài học đau xót!

Trao đổi với PV, Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo Việt Nam cho rằng, việc đem loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đi thi để thua gạo Thái là bài học đau xót.

09/12/2020 19:12

Ông Xuân cho rằng, cuộc thi gạo ngon nhất thế giới được tổ chức định kỳ 12 năm qua và mỗi năm có một loại gạo xướng tên. Các giống gạo của Thái Lan đã có 5 lần đứng đầu, trong đó gạo Hom Mali là lần thứ 4 (kể cả danh gạo ngon nhất thế giới năm 2020), rồi có nhiều loại gạo của Campuchia, của Mỹ cũng có lần lọt vào "top" gạo ngon nhất thế giới.

Hiện, nhiều chuyên gia, cả những người làm thương hiệu gạo phản ứng gay gắt về việc đem gạo ngon nhất thế giới năm 2019 của Việt Nam đi thi tiếp năm 2020. Họ cho rằng đây là sự "gà mờ" về thương hiệu, hoặc cách làm marketing, thương hiệu ấu trĩ, dại dột.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Gạo ST25 mất "vương miện" là bài học đau xót! - Ảnh 1.

Gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng sự tại Sóc Trăng nghiên cứu, lai tạo được giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019

Giáo sư Xuân cho rằng: "Bản thân tôi đã góp ý với những người đem gạo đi thi là không nên đem loại gạo được đánh giá cao nhất năm 2019 đi thi, nếu đưa đi thi thì cần đem giống khác, Việt Nam không thiếu loại gạo ngon".

Chuyên gia hàng đầu về lúa gạo Việt Nam tiết lộ, cuộc thi gạo ngon nhất năm nay tại Mỹ được thực hiện trực tuyến. Điều này khác với mọi năm, người tham dự cuộc thi phải đóng hơn 500 USD/người (hơn 11 triệu đồng). Chính vì vậy, việc đi thi lần này khá rủi ro cho các nước tham gia, bởi đánh giá gạo ngon nhất, nhì hay thứ ba chỉ ở cảm nhận của người đánh giá, đôi khi chỉ lệch nhưng chút xíu.

Tuy nhiên, hậu quả của việc hạ cấp từ nhất xuống nhì sẽ khiến việc quảng bá thương hiệu, cách làm thương hiệu gạo xuất khẩu vô cùng khó khăn. Người ta sẽ phải giải thích gạo ngon nhất năm 2019 và giờ đây là loại gạo ngon thứ nhì thế giới năm 2020.

"Gạo Việt không như gạo Thái Lan, chúng ta cần thương hiệu để xuất khẩu cho các đơn hàng sang các nước. Gạo Hom Mali của Thái là loại gạo dài ngày, năng suất thấp, trong khi ST25 của Việt Nam là loại cao sản, ngắn ngày, cho năng suất cao, có lợi thế hơn hẳn. Nếu có thương hiệu, cách marketing tốt sẽ rất dễ vào các nước lớn, chúng ta đã tự tay đánh mất cơ hội", ông Xuân chia sẻ.

Chia sẻ thêm với PV, ông Xuân tiết lộ lý do vì sao gạo ST25 của Việt Nam dù được đánh giá là ngon nhất thế giới từ năm 2019 nhưng chưa phát triển nhanh, mạnh trong thời gian qua.

"Các cơ quan nhà nước yêu cầu phải đưa ST25 đi khảo nghiệm toàn quốc, trong khi quốc tế đã công nhận rồi, chỉ cần tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật rồi trồng là phát triển nhanh là được", GS Xuân phân tích.

Theo chuyên gia hàng đầu ngành lúa gạo Việt Nam, việc làm máy móc trên đã khước từ cơ hội phát triển đại trà loại gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện nhiều một số người có động cơ chụp giật, lấy các loại gạo hạt dài, tương tự ST25 để đóng gói, giả nhãn mác, đưa ra thị trường gây nhiễu loạn thông tin và mất niềm tin người tiêu dùng.

Gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng TS. Trần Tấn Phương, Th.S Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu, lai tạo. Loại gạo này được phát triển trên giống lúa ST25 có hạt gạo thon, dài, gạo thơm, mềm, dẻo và có vị ngon ngọt. Năm 2019, gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi gạo ngon thế giới tổ chức tại Philippines.

Năm 2020, ở cuộc thi gạo ngon nhất thế giới diễn ra ở Mỹ, gạo này được tiếp tục đưa đi thi nhưng... về nhì sau gạo Thái. Việc đem loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đi thi rồi mất ngôi trong khi các doanh nghiệp trong nước đang tìm mọi cách làm gây tranh cãi, và hiện có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nhiều người chỉ trích.


Ý kiến của bạn