Giảm sốc gần 40.000 chiếc, xe nhập "trượt dốc không phanh" tại Việt Nam
Xe Đức, Nhật, Thái thậm chí cả xe Indonesia nhập vào Việt Nam giảm mạnh. Ngoài lý do đại dịch Covid-19, xe nhập giảm mạnh chủ yếu do tổng cầu và sự cạnh tranh quyết liệt của dòng xe nội địa.
Do Covid-19, chính sách biệt đãi và tổng cầu giảm
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/12/2020, tổng lượng xe nhập chỉ đạt hơn 98.400 chiếc, giảm gần 40.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe con dưới 9 chỗ ngồi giảm mạnh nhất với 29.000 chiếc, chiếm gần 80%.
Trong số các dòng xe nhập khẩu giảm mạnh nhất phải kể xe của Thái Lan, Indonesia, Đức và Nhật. Con số ước tính hết tháng 11/2020, xe nhập Thái giảm hơn 26.800 chiếc, xe nhập Indonesia giảm hơn 12.000 chiếc, xe nhập Nhật giảm hơn 600 chiếc và nhập Đức giảm gần 500 chiếc.
Ngoài giảm lượng nhập xe nguyên chiếc về Việt Nam, trong năm 2020 giá trị nhập khẩu mặt hàng các linh kiện xe hơi, phụ kiện sản xuất ô tô từ các nước về Việt Nam cũng bị suy giảm gần 200 triệu USD. Tính đến ngày 15/12, giá trị linh phụ kiện xe hơi nhập về Việt Nam chỉ đạt 3,7 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước con số này gần 4 tỷ USD.
Theo một số doanh nghiệp, nhập khẩu xe suy giảm mạnh trong thời gian gần đây do tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về xe suy giảm tại Việt Nam. Phần lớn người có nhu cầu mua xe đi lại đã tạm gác lại chuyện mua xe để lấy tiền đầu tư vào vàng, bất động sản. Một bộ phận khác như giới lái xe chạy dịch vụ, lái xe thuê tạm ngừng kế hoạch mua xe chạy kinh doanh vì dịch và vì thuế phí của Grab tăng lên đầu phương tiện.
Bên cạnh các nguyên nhân chính khiến xe nhập giảm như khó khăn của kinh tế thời Covid-19, thì chính sách ưu đãi phí trước bạ đối với xe trong nước được xem là nguyên nhân khiến các loại xe nhập cùng phân khúc đuối sức trong cuộc đua cạnh tranh với xe trong nước.
Cụ thể, tháng 7/2020, Chính phủ cho giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô trong nước đăng ký lần đầu, điều này có nghĩa người mua xe trong nước chỉ phải đóng 5-6% phí trước bạ, thậm chí VinFast còn tặng 100% phí trước bạ cho khách mua xe.
Với ưu đãi này, các mẫu xe nhập như Toyota Wigo, Honda Civic hay Ford Everest sẽ chịu thiệt trong cuộc đua cạnh tranh về giá với các mẫu xe nội địa như Hyundai i10, VinFast Fadil, Kia Morning; các mẫu xe Hyundai Accent, Mazda 3 hay VinFast LuxSA2.0...
Xe trong nước ngày càng đa dạng, cạnh tranh quyết liệt
Một nguyên nhân chủ quan khiến các mẫu xe nhập về Việt Nam ít hơn chính là do thuế nhập linh phụ kiện lắp ráp từ nước ngoài về Việt Nam cho các doanh nghiệp xe hơi được Chính phủ giảm về 0% từ năm 2020. Điều này kích thích các hãng lắp ráp trong nước giảm chi phí, tăng cạnh tranh với xe nhập.
Vì chính sách này mà trong năm 2020, nhiều hãng xe, doanh nghiệp trước đây nhập khẩu hàng loạt mẫu xe có doanh số cao như Honda CRV, Mitsubishi Xpander hay Toyota Fortuner nay đã chuyển về Việt Nam lắp ráp hoặc toàn bộ mẫu hoặc 70% lượng xe bán trên thị trường để hưởng lợi.
Vì điều này các dòng xe nhập khẩu bị giảm mạnh về lượng, do không còn xe có doanh số cao trong danh mục xe nhập từ năm 2020.
Ngoài ra, một lý do khác chính là năm 2019 và 2020 thị trường xe Việt phát triển khá nhanh, các mẫu xe mới, nâng cấp ở Việt Nam có mặt sớm và thay đổi mạnh trên thị trường, làm chợ xe Việt ngày càng đa dạng, dễ chọn lựa.
Đơn cử, các mẫu xe từ phân khúc 300 đến 800 triệu đồng ngày càng có nhiều hơn từ hatchback đến sedan, SUV, CUV hay MPV. Các mẫu xe có giá từ 800 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng cũng có sự tham dự nhiều hơn của các mẫu SUV, sedan hay MPV sản xuất trong nước như LuxSA2.0, A2.0, Mercedes - Benz, Hyundai SantaFe hay Kia Sorento... Đều có khả năng cạnh tranh tốt so với các mẫu xe nhập từ EU hoặc Mỹ.
Hiện, Honda CRV bản lắp ráp trong nước, Hyundai SantaFe hay VinFast LUX SA.20 đều thuộc mẫu xe đầu bảng doanh số ở phân khúc trên 1 tỷ đồng. Mức giá và các chiết khấu, cùng ưu đãi mua trả góp cũng khiến các mẫu xe trong nước có lợi thế hơn so với các mẫu xe nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo các thương nhân nhập khẩu xe hơi ở Việt Nam, việc suy giảm lượng xe nhập có thể không làm ảnh hưởng đến nguồn cầu xe hiện tại nhưng nếu nhu cầu xe tăng lên, mà xe nhập vẫn thiếu, lập tức sẽ tạo nên khan hiếm thị trường xe hơi.
Hiện năng lực sản xuất của các doanh nghiệp xe trong nước có hạn, nếu xu hướng nhập xe bị thắt chặt, có thể tạo khan hiếm xe giả trên thị trường, giá xe ở một số dòng, mẫu có thể bị tăng lên, gây thiệt hại cho khách hàng Việt. Đáng lo hơn, nếu xe nhập về ít hơn, có thể khiến thị trường xe trong nước hình thành độc quyền tự nhiên của nhóm các doanh nghiệp xe lắp ráp, sản xuất nội địa với nhau để duy trì mức giá có lợi cho họ.
Tin nổi bật
Tin Video