Giảm nghèo ở huyện biên giới Nậm Nhùn sau 10 năm chia tách và thành lập
(VOVTV) - Trong những năm qua với quyết tâm đưa Nậm Nhùn nhanh chóng vượt qua những khó khăn, tạo tiền đề đưa huyện thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, hình thành các vùng sản xuất tập trung nâng cao thu nhập cho người dân. Bằng những giải pháp cụ thể phù hợp, sau gần 10 năm chia tách và thành lập công tác giảm nghèo bền vững của huyện đã đạt được nhiều kết quả rõ nét.
Huyện Nậm Nhùn có 11 xã, thị trấn, 69 bản, 11 dân tộc cùng sinh sống. Dân số khoảng 30 nghìn người, đường biên giới dài 24, 671km, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Khi mới được chia tách, thành lập cách đây 10 năm, bình quân tiêu chí nông thôn mới là 5 tiêu chí/xã, đứng thứ 6 so với 8 huyện, thành phố trong tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43,7% theo chuẩn nghèo thời điểm đó; tỷ lệ che phủ rừng 42,05%; thu nhập bình quân đầu người chưa đến 10 triệu đồng/người/năm.
Toàn huyện chỉ có 7/10 xã có điện lưới quốc gia và trên 42% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn; tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 27,8%. Với xuất phát điểm trong phát triển kinh tế gần như thấp nhất trong tỉnh, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tự cung, tự cấp chưa có nhiều mô hình phát triển kinh tế thu nhập cao.
Trước tình hình như vậy, huyện Nậm Nhùn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, thực hiện các mô hình giúp người dân có động lực giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, huyện Nậm Nhùn luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm cho người dân để nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: "Sau 10 năm tập trung chỉ đạo thì công tác giảm nghèo của huyện cũng đã đạt được một những kết quả bước đầu. Đó là tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hàng năm là đạt trên 5% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo là tăng gấp 1,5 lần so với trước khi chia tách.
Cơ sở vật chất, hạ tầng của các xã, bản đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư nhất là đường giao thông, điện lưới Quốc gia, thủy lợi, giáo dục và y tế, các thiết chế về thông tin văn hóa….Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được nâng lên…"
Bằng các nguồn vốn của các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh như 30a, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Huyện đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học và hỗ trợ phát triển sản xuất. Đa dạng hóa sinh kế cho người dân, nhân rộng mô hình giảm nghèo trong đó chủ yếu là hỗ trợ cây con giống, máy móc thiết bị, vật tư phân bón cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Từ đó tạo thuận lợi cho các hộ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và được hưởng các dịch y tế. Bên cạnh đó chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác khai hoang ruộng nước nhằm tăng diện tích đất sản xuất ruộng nước góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Nhờ thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đời sống của đông bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã từng bước được cải thiện.
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 18% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2021). Đến hết tháng 9/2022 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%. Đặc biệt thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đạt khoảng triệu đồng/người/năm; huyện có 3 xã được công nhận là xã nông thôn mới, bình quân các xã đạt 12,1 tiêu chí/xã. Toàn bộ các xã và trên 90% số bản người dân đã được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn.
Đồng thời, với một huyện có diện tích rừng lớn với tỷ lệ che phủ rừng lên đến 55,72%. Trong những năm qua, huyện Nậm Nhùn lấy kinh tế lâm nghiệp làm động lực phát triển, trong đó có triển khai trồng cây quế và nhiều loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân như: Nhãn, xoài, mắc ca, dứa…Cùng với tổ chức nghiêm túc các nội dung hỗ trợ trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Các chính sách khai hoang, hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật theo các dự án của nhà nước đã mang lại hiệu quả giảm nghèo rõ rệt. Thực hiện hỗ trợ sản xuất đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo như hỗ trợ cây giống sa nhân tím, dong giềng, một số loại cây ăn quả, con giống như trâu, bò và các loại gia cầm, máy móc thiết bị cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Khuyến khích doanh nghiệp, HTX trong và ngoài huyện thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng với nông dân.
Tại xã biên giới Hua Bum, ông Đỗ Quang Ngọc-Phó Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: " Cùng với sự phát triển chung của huyện, xã Hua Bum cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua. Tính đến nay, xã đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 27,7 triệu đồng/người/năm; trong xây dựng nông thôn mới xã đã đạt 10/19 tiêu chí.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của xã là triển khai chương trình xây dựng NTM; tiếp tục khai thác, phát huy điều kiện về đất đai, khí hậu của địa phương trong trồng trọt, chăn nuôi. Tận dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, nâng cao ý thức tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo của người dân.
Phát huy những kết quả đã đạt được sau 10 năm chia tách và thành lập. Mục tiêu của huyện biên giới Nậm Nhùn được xác định tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 3, trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: Thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách địa bàn đạt 45 tỷ đồng; phấn đấu không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí và thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trồng mới 500 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%; 100% số bản có đường ô tô, xe máy đi lại thuận lợi, trên 80% số bản có đường ô tô tới bản được cứng hóa; duy trì, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, có 22 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo hàng năm từ 2% trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, đào tạo nghề cho 300 lao động/năm, giải quyết việc làm mới cho 450 lao động…
Để thực hiện được các mục tiêu đó, huyện Nậm Nhùn xác định cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn thuộc các chương trình về giảm nghèo; huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra giám sát công tác giảm nghèo, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động tại các xã, thị trấn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện. Các chính sách, giải pháp giảm nghèo phải đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho người nghèo có vốn sản xuất có việc làm để tăng thu nhập. Người nghèo, hộ nghèo cần nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính bản thân mình và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước của cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo.
Sau 10 năm, những thành quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo của huyện Nậm Nhùn là rất to lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trên địa bàn. Tin tưởng rằng với những nỗ lực và giải pháp đồng bộ trong thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, từ nay cho đến hết nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Nậm Nhùn sẽ hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo như đã đề ra.
Tin nổi bật
Tin Video