Giải pháp nào cho tương lai năng lượng của châu Âu
(VOVTV) - EU cần tiến tới một thỏa thuận chung trong toàn khối để giảm nhu cầu, tăng nguồn cung và giữ cho thị trường năng lượng mở trong thời điểm có nhiều biến động.
Nỗ lực có mang lại hiệu quả?
Hệ thống năng lượng của châu Âu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Nguồn cung cấp khí đốt của Nga – nhu cầu thiết yếu để sưởi ấm, sử dụng trong quy trình công nghiệp và năng lượng - đã bị cắt giảm hơn 80% trong năm nay. Giá bán buôn điện và khí đốt đã tăng gấp 15 lần kể từ đầu năm 2021, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Vấn đề cũng có thể trở nên tồi tệ hơn. Châu Âu có thể sắp trải qua mùa đông đầu tiên không có khí đốt của Nga, có nguy cơ tăng giá cao hơn, thiếu khí đốt và suy thoái kinh tế lớn sau các lệnh trừng phạt và áp giá trần khí đốt.
Chính phủ các nước châu Âu đã bắt đầu thực hiện một loạt các phản ứng chính sách nhằm giảm thiểu tác động của chi phí đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp bao gồm giới hạn giá bán lẻ, thuế quan theo quy định, các chương trình hỗ trợ cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng và hỗ trợ thanh khoản hoặc vốn cho các công ty năng lượng, bao gồm cả quốc hữu hóa. Một nhóm biện pháp khác cũng được triển khai nhằm ổn định và giảm giá bán buôn cũng như đảm bảo an ninh năng lượng nói chung như các chính sách khuyến khích tiết kiệm năng lượng và tăng nguồn cung nhưng cũng hạn chế chi phí năng lượng, đặc biệt là giá bán buôn khí đốt.
Tuy nhiên, các nỗ lực như vậy vẫn chưa phải là giải pháp triệt để vì hai lý do. Đầu tiên, các mục tiêu mâu thuẫn nhau: trợ cấp hoặc giá trần có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn do nhu cầu ngày càng tăng. Thứ hai, tác động lan tỏa xuyên biên giới: trợ cấp tiêu thụ năng lượng có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng ở một quốc gia nhưng cũng sẽ làm tăng mức tiêu thụ, dẫn đến giá bán buôn cao hơn diễn ra trên khắp Liên minh châu Âu và gây tổn hại cho người tiêu dùng ở các quốc gia khác.
Như vậy, việc đánh giá các tác động và lựa chọn chính sách đòi hỏi cách tiếp cận Liên minh châu Âu phải giải quyết tốt nhất cả hai vấn đề là nỗ lực phối hợp của các chính phủ nhằm giảm nhu cầu năng lượng và tăng nguồn cung trong khi buộc phải giữ cho thị trường năng lượng trong nước và bảo vệ những đối tượng tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Những biến động khôn lường
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá khí đốt châu Âu tăng ồ ạt là do nguồn cung của Nga giảm. Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là lựa chọn thay thế trong bối cảnh khủng hoảng khủng hoảng hiện nay trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, chi phí của LNG đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra và dự báo trong thời gian tới thị trường LNG sẽ là điểm nóng cạnh tranh trên toàn khu vực.
Việc tăng giá điện bán buôn vừa qua cũng phản ánh sự gia tăng giá khí đốt tự nhiên và thiếu hụt trong sản xuất điện hạt nhân và thủy điện, mà đáng lẽ phải được bù đắp từ nguồn năng lượng của các nhà máy khí đốt và than đá. Vì vậy, nguồn năng lượng chính và có giá thành cao nhất để đáp ứng nhu cầu thực tế ở hầu hết các thị trường năng lượng châu Âu hiện nay chính là khí đốt.
Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đặt ra một thách thức to lớn mà không quốc gia châu Âu nào có thể tự giải quyết. Trong bối cảnh các nền kinh tế đang phải gắng gượng vượt qua dư chấn của đại dịch, khủng hoảng năng lượng như một cú đấm mạnh khiến nhiều nền kinh tế chao đảo khó có thể hồi phục. Thị trường năng lượng châu Âu đã căng thẳng đến mức những thay đổi nhỏ trong nguồn cung có tác động lớn đến giá cả. Điều này cũng lý giải phần nào tại sao giá năng lượng bán buôn biến động lớn trong thời gian qua.
Trong bối cảnh hiện nay, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và có biện pháp hiệu quả hơn trong sử dụng điện đòi hỏi sự vào cuộc của các quốc gia. Mà cách tiếp cận rõ ràng nhất để cân bằng nguồn cung là việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty và hộ gia đình cho đến khi giá giảm. Tuy nhiên, điều này cũng là thách thức đối với chính phủ các nước vì nguồn tài chính khổng lồ cho giải pháp này. Nếu chính phủ các quốc gia chấp nhận chi phí năng lượng tăng dự kiến, điều đó sẽ làm tăng thêm khoảng 1 nghìn tỷ euro, tương đương khoảng 6% GDP hàng năm của EU, trong khi các nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Tác động của cuộc khủng hoảng đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức do lạm phát gia tăng và có thể buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải thắt chặt chính sách hơn nữa. Ngoài ra, ngành năng lượng sẽ phải đối mặt với tình trạng siết chặt thanh khoản và mất khả năng thanh toán.
Giải pháp nào cho vấn đề năng lượng?
Điểm đáng chú ý đầu tiên là bài toán đặt ra là giải quyết như thế nào để giảm sự biến động của giá năng lượng tại các thị trường bán buôn châu Âu trong thời gian tới. Các đề xuất giới hạn giá hiện có hai hướng: hạn chế giá nhập khẩu khí đốt và hạn chế giá bán buôn trong Liên minh Châu Âu. Việc điều chỉnh tất cả giá nhập khẩu khí đốt có thể sẽ phản tác dụng, khiến không thể thu hút đủ khí đốt vào Liên minh châu Âu và dẫn đến giá thực tế thậm chí còn cao hơn. Trong khi EU có thể chỉ giới hạn đối với khí đốt của Nga, nhằm mục đích cắt giảm lợi nhuận khí đốt của nước này trong khi giảm chi phí cho châu Âu. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó vẫn tồn tại những rủi ro bởi Nga có thể tiếp tục cắt giảm số lượng hạn chế còn lại đối với châu Âu và chuyển nó sang khu vực khác với chi phí thấp hơn, điều đó có thể khiến châu Âu gặp nhiều vấn đề hơn.
Vấn đề tiếp theo đặt ra đối với EU là trong tương lai cần một giải pháp thay thế cho trần giá năng lượng, như các biện pháp tăng nguồn cung và khuyến khích tiết kiệm năng lượng nhưng khi triển khai các biện pháp đó vẫn phải bảo vệ người tiêu dùng và giảm thiểu những tác động về kinh tế. Thứ hai là cần xem xét tác động của chính sách năng lượng của mỗi quốc gia đối với các quốc gia thành viên EU khác.
Trả lời cho câu hỏi đầu tiên để bảo vệ người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế có lẽ là kết hợp các khoản thanh toán hỗ trợ không phụ thuộc vào mức tiêu thụ năng lượng với các khoản trợ cấp để giảm mức sử dụng trong khi vẫn duy trì tín hiệu giá để giảm nhu cầu. Trợ cấp có thể tỷ lệ thuận với mức tiêu thụ năng lượng gần đây. Một cách tiếp cận khác là sử dụng nguyên tắc thiết kế đằng sau “bộ hãm giá điện” của Đức.
Nó bắt đầu bằng cách tính toán nhu cầu năng lượng của một hộ gia đình tiết kiệm và cố gắng tiết kiệm năng lượng một cách hợp lý. Sau đó, chương trình trợ giá bán lẻ điện đến mức đó nhưng không vượt quá. Do đó, chi phí điện cho việc sử dụng thêm sẽ cao hơn nhiều so với chi phí trung bình, khuyến khích các hộ gia đình sử dụng càng ít đơn vị càng tốt.
Liên quan tới ý kiến thứ hai về việc điều phối các chính sách giữa các quốc gia đó cần sự đồng thuận trong việc thực hiện những nỗ lực chung để giảm cầu và tăng nguồn cung trong EU. Để hài hòa lợi ích giữa quốc gia và khối đòi hỏi phải giải quyết được yếu tố chính trị và pháp lý thông qua quy định và cả những lợi ích cho các bên bao gồm cả các ưu đãi tài chính như tiếp cận quỹ hỗ trợ của EU. Điển hình cho ý chí này là việc Liên minh châu Âu đã thực hiện những bước đầu tiên vào tháng 7, khi chính phủ các quốc gia thành viên đã cam kết giảm 15% nhu cầu khí đốt trong mùa đông.
Vào tháng 9, khối đã thông qua một quy định cam kết họ thực hiện bốn nhóm hành động chính sách: giảm nhu cầu điện, giới hạn doanh thu cho các nhà sản xuất điện giá rẻ được hưởng lợi từ giá điện cao (ngoại trừ những nhà sản xuất điện đốt than), sự đóng góp chung từ các công ty nhiên liệu hóa thạch (bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất than), và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nhà sản xuất điện chi phí thấp phải trả lại lợi nhuận cao hơn giới hạn doanh thu cho chính phủ quốc gia của họ, do đó sẽ sử dụng tiền để hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng.Những hành động như vậy là bước quan trọng đầu tiên, nó thể hiện ý chí đoàn kết, sự phối hợp giảm nhu cầu điện và khí đốt trong toàn khối.
Một vấn đề đang cần được tháo gỡ trong tương lai đó là vấn đề nguồn cung. Mà giải pháp đầu tiên đó là Liên minh châu Âu nên tận dụng sức mua của mình với tư cách là nền kinh tế hỗn hợp lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Khối có thể đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt với tư cách là một bên mua duy nhất. Đây có thể là một giải pháp đôi bên cùng có lợi: trong khi Liên minh Châu Âu cần đảm bảo khí đốt ở mức giá hợp lý, thì các nhà cung cấp cần các hợp đồng dài hạn để quản lý tốt hơn các kế hoạch đầu tư. Không có khí đốt của Nga đồng nghĩa với việc EU sẽ phải tìm nguồn năng lượng thay thế lên tới 150 tỷ mét khối từ Nga xuất khẩu hàng năm sang châu Âu.
Liên minh Châu Âu có cơ hội tập hợp nhu cầu to lớn này và đàm phán các thỏa thuận dài hạn mang lại cho các nhà cung cấp nguồn doanh thu lớn đồng thời vẫn đảm bảo an ninh năng lượng cũng như khả năng chi trả của Châu Âu. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cần tối đa hóa nguồn cung năng lượng ở mỗi nước trong ngắn hạn. Điều này đòi hỏi những nỗ lực bổ sung từ các quốc gia như Hà Lan trong việc tăng sản lượng khí đốt và Đức trong việc tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân đã lên kế hoạch đóng cửa trước đó, hay như mở rộng các dự án kết nối nguồn khí đốt giữa các quốc gia láng giềng. Những biện pháp này có thể gặp phải những khó khăn về chính trị nhưng có thể trở nên khả thi dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đặt ra một thách thức to lớn đòi hỏi ý chí thống nhất, sự đoàn kết và nỗ lực lớn từ các quốc gia châu Âu chứ không phải cá nhân đơn lẻ nào. Các biện pháp can thiệp khẩn cấp như trần giá khí đốt vừa qua có nguy cơ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt nếu được triển khai với một loạt các chính sách không đồng bộ, không có sự liên kết - phối hợp với nhau.
Liên minh châu Âu cần đạt được một thỏa thuận lớn dựa trên tiềm lực sức mạnh của mình và định hướng dài hạn cho chính sách năng lượng ở cấp độ toàn EU. Những lựa chọn về cách quản lý nguồn cung chắc chắn sẽ định hình tương lai của hệ thống năng lượng châu Âu. Hội nhập sâu hơn và tăng tốc đầu tư có thể cho phép châu Âu vừa vượt qua cuộc khủng hoảng này cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, tái tạo và giá cả hợp lý hơn.
Tin nổi bật
Tin Video