Giải pháp nào cho tình trạng bệnh viện thiếu thuốc và thiết bị y tế?
(VOVTV) - Thời gian qua, nhiều bệnh nhân ở tỉnh Tiền Giang than phiền vì khi đi khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế, bệnh viện công trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng thiếu thuốc hoặc vật tư, y tế. Đáng quan tâm là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế phải mất thêm khoản tiền vì những bất cập này.
Chị Nguyễn Thị Kim H, người dân ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cho biết, vừa tốn khoản tiền khá nhiều để đưa cha mẹ cao tuổi đi phẫu thuật đục thủy tinh thể tại bệnh viện Mắt TP.HCM. Dù hai ông bà đều có thẻ bảo hiểm y tế nhưng do bệnh viện Mắt tỉnh Tiền Giang đã hết vật tư loại này trong nhiều tháng nay nên không làm được; không thể chờ đợi được nữa nên chị phải đưa cha mẹ đến bệnh viện tuyến trên để phẫu thuật mắt.
Chị H bức xúc: “Tôi cũng như nhiều người dân rất bức xúc vì bệnh viện này thiếu thiết bị y tế mà trong nhiều tháng vẫn chưa được bổ sung, khắc phục. Bệnh nhân mua bảo hiểm y tế mà phải đến TP.HCM khám chữa bệnh, rất nhiêu khê, tốn kém và rất thiệt thòi khi bệnh viện chưa thể hiện trách nhiệm của mình”.
Do thiếu thiết bị y tế, nên thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật về mắt đều phải đến các bệnh viện khác ngoài tỉnh, mất thời gian và tốn thêm chi phí.
Không chỉ bệnh viện Mắt mà một số bệnh viện, cơ sở y tế công khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua cũng có lúc, có thời điểm xảy ra khan hiếm về thuốc, thiết bị y tế cục bộ. Bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra ngoài các cửa hàng thuốc tư nhân để mua.
Qua tìm hiểu của PV VOV, lãnh đạo nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh cho rằng, có xảy ra khan hiếm thiết bị, vật tư y tế và cả thuốc men là do một thời gian dài các đơn vị tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, nguồn nhân lực thiếu thốn nên chưa chủ động công tác đấu thầu mua thuốc.
Hơn nữa trình tự, thủ tục tổ chức đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế hiện nay khá phức tạp và kéo dài thời gian gần nửa năm. Một số cơ sở y tế trước đây được tận dụng làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19. Nay tái hoạt động chưa chủ động được nguồn thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luận, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy chia sẻ: “Bệnh viện cũng có thiếu thuốc nhưng không nhiều và đang thực hiện đấu thầu. Bệnh viện tiến hành mua nhưng theo quy định phải đấu thầu. Nhưng nhiều khi có một số mặt thuốc nhà thầu tham gia nhưng không đủ điều kiện nên phải đấu thầu lại. Hiện nay, bệnh viện thuê chỗ Trung tâm mua sắm công tổ chức đấu thầu vì còn phải lo phòng, chống dịch... ”.
Còn bác sĩ Trần Thị Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Châu Thành cho biết, ngoài các khó khăn trên thì từ năm 2018, kinh phí của cơ quan bảo hiểm xã hội chưa huyết toán xong nên đơn vị còn nợ công ty dược, dẫn đến phía đối tác chậm cung ứng thuốc. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang cũng có 14 cơ sở y tế khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế chưa được cơ quan BHXH thanh toán với số tiền đến 34 tỷ đồng.
Theo Trung tâm mua sắm ngành y tế (thuộc Sở Y tế Tiền Giang), công tác đấu thầu mua sắm thiết bị, vật tư, thuốc men mới khởi động trở lại từ đầu tháng 3 năm nay. Hiện tại, có 05 bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh “thuê” đơn vị này tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế với giá trị từ 3-4 tỷ đồng/đơn vị. Trong khi đó, các đơn vị đều có chức năng tổ chức đấu thầu theo quy định, nhưng các đơn vị chưa mạnh dạn làm công tác này. Trong cùng một thời điểm phải làm thủ tục, hồ sơ đấu thầu cho nhiều đơn vị nên Trung tâm mua sắm ngành y tế đã quá tải, cán bộ, viên chức phải hoạt động ngày lẫn đêm. Dù có nhiều cố gắng nhưng phải mất gần 6 tháng mới hoàn thành công tác đấu thầu, các đơn vị mới có thuốc, vật tư y tế.
Ông Huỳnh Anh Minh, Giám đốc Trung tâm mua sắm ngành y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, để xảy ra khan hiếm thuốc, thiết bị y tế thời gian qua là trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị do thiếu dự báo, chưa chủ động trong việc đấu thầu mua sắm. Trung tâm chỉ có nhiệm vụ “làm thuê” khi các bệnh viện có hợp đồng.
“Thật sự mà nói khả năng dự báo của mình, trách nhiệm thuộc về thủ trưởng đơn vị bệnh viện. Bây giờ trở lại bình thường mới, mình phải rà soát lại hết, thuốc, vật tư không có mình phải làm ngay. Tất nhiên là phải đề xuất đấu thầu mà đấu thầu thì trình tự mất gần 6 tháng. Bệnh viện nếu khó khăn gì báo lên Sở, Sở không giải quyết cho anh thì trách nhiệm của Sở. Nhưng theo tôi thì trách nhiệm của người đứng đầu phải lo, nếu khó thì trình lên trên”, ông Minh nói.
Bà Phạm Thị Mỹ Phương, Trưởng Phòng Giám định Bảo hiểm y tế (Bảo Hiểm xã hội Tiền Giang) cho biết, toàn tỉnh có hơn 1,6 triệu người có thẻ BHYT; có 39 cơ sở y tế hợp đồng với BHXH khám chữa bệnh. BHXH luôn đảm bảo kinh phí cho các cơ sở khám bệnh theo hợp đồng. Năm ngoái, cơ quan BHXH chi hơn 710 tỷ đồng thanh toán tiền khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Riêng quý 1, quý 2 của năm nay, BHXH đã ứng 224 tỷ đồng cho các cơ sở y tế.
Đối với 34 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế trước đây của 14 cơ sở y tế đến nay chưa thanh toán được là do các cơ sở y tế chi ngoài danh mục quy định. UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản kiến nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sớm giải quyết vấn đề này. Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân có thẻ BHYT, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ trao đổi với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế khắc phục vấn đề chậm đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế cũng như những bất cập phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Thực tế cho thấy, nếu các cơ sở y tế nào có kế hoạch chủ động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế thì tránh khỏi tình trạng khan hiếm, bệnh nhân rất hài lòng khi đến khám chữa bệnh và ngược lại.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Gò Công Tây cho biết, do làm tốt công tác dự báo, chủ động kế hoạch nên nhiều năm qua đơn vị này không xảy ra khan hiếm thuốc, vật tế để phục vụ bệnh nhân.
“Trung tâm y tế huyện Gò Công Tây không bị khan hiếm vì có quy định trong kho còn bao nhiêu thuốc, sử dụng một tháng là phải bao nhiêu phải ước lượng được. Thuốc còn chừng đủ 3 tháng là chạm an toàn, khi phần mềm báo lên chạm an toàn là bắt đầu cho tiến hành đấu thầu, hợp Hội đồng thuốc... rồi tới điểm rơi đó mình có thuốc. Hồi đó đến giờ chúng, chúng tôi không bị thiếu thuốc", bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Thuốc, thiết bị vật tư y tế là những yếu cầu tối cần thiết trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tình trạng khan hiếm một số vật tư, thuốc tại một số đơn vị thời gian qua rất cần được các cơ quan hữu quan đánh giá khách quan để sớm có biện pháp khắc phục và tránh lặp lại, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Tin nổi bật
Tin Video