Giải Nobel Vật lý 2022 thuộc về 3 nhà khoa học Pháp, Mỹ và Áo
Giải Nobel Vật lý năm 2022 thuộc về ba nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo).
Giải Nobel Vật lý 2022 tôn vinh các nhà khoa học vì “những thí nghiệm với vướng mắc lượng tử, thiết lập sự vi phạm các bất đẳng thức Bell và tiên phong khoa học thông tin lượng tử”.
Các nhà khoa học Alain Aspect, John Clauser và Anton Zeilinger từng thực hiện các thí nghiệm đột phá bằng cách sử dụng các trạng thái vướng mắc lượng tử, nơi hai phần tử hoạt động thống nhất ngay cả khi chúng tách rời nhau. Kết quả của họ đã mở đường cho công nghệ mới dựa trên thông tin lượng tử.
Giải thưởng trên được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố vào 16h45 phút (theo giờ Hà Nội) ngày 4/10.
Kể từ khi nhà bác học Alfred Nobel lập ra giải thưởng Nobel năm 1901, đến nay đã có 116 giải Nobel Vật lý được trao, trong đó 47 chủ nhân giải thưởng được đứng tên một mình.
Trong số những người đoạt giải Nobel Vật lý, chỉ có 4 nhà khoa học nữ là Marie Curie (năm 1903), Maria Goeppert-Mayer (1963), Donna Strickland (2018)và Andrea Ghez (2020). John Bardeen là học giả duy nhất hai lần đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 1956 và 1972. Người đoạt giải trẻ nhất là Lawrence Bragg, ông nhận giải cùng cha mình vào năm 1915, khi mới 25 tuổi. Trong khi đó, người cao tuổi nhất đoạt giải thưởng danh giá này là Arthur Ashkin, đoạt giải năm 2018, khi 96 tuổi.
Năm 2021, Giải Nobel Vật lý được trao cho 3 nhà khoa học Syukuro Manabe, Klaus Hasselmann và Giorgio Parisi “vì những đóng góp đột phá cho hiểu biết của chúng ta về các hệ thống vật lý phức tạp”.
Hai nhà khoa học Syukuro Manabe (Mỹ) và Klaus Hasselmann (Đức) cùng được trao một nửa giải thưởng Nobel Vật lý năm 2021 cho “việc lập mô hình vật lý về khí hậu Trái Đất, định lượng sự biến đổi và dự đoán đáng tin cậy sự nóng lên toàn cầu”. Nhà khoa học Giorgio Parisi (Italy) được trao một nửa giải thưởng Nobel Vật lý 2021 “vì đã khám phá ra tác động qua lại của sự rối loạn và dao động trong các hệ thống vật lý từ quy mô nguyên tử đến hành tinh”.
Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu hôm 3/10 với giải thưởng đầu tiên trong lĩnh vực Y Sinh được trao cho nhà khoa học Svante Pääbo của Thụy Điển “vì những khám phá của ông liên quan đến bộ gen của các loài vượn đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của con người”.
Sau giải Nobel Vật lý, các giải thưởng tiếp theo sẽ được công bố lần lượt trong các lĩnh vực Hóa học, Văn chương, Hòa bình và Kinh tế./.
Tin nổi bật
Tin Video