Lăng kính

Giải ngân vốn đầu tư công và câu chuyện trách nhiệm

(VOVTV) - Cùng với tăng cường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa thì kích thích đầu tư, trong đó ưu tiên đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là các giải pháp trọng tâm để bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định vĩ mô, tạo việc làm và an sinh xã hội.

Tác giả Nguyên Long / VOV1
06/12/2022 14:21

Thế nhưng, chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là hết năm kế hoạch 2022 nhưng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công vẫn đạt rất thấp. Điều đang nói là các chỉ đạo ngày càng quyết liệt hơn, nhưng tỷ lệ giải ngân năm sau vẫn thấp hơn năm trước, thậm chí nhiều bộ ngành đã xin “trả lại” nguồn vốn được giao. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

Ngay từ cuối năm 2021, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động bất thường, khó đoán định và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp sẽ cùng lúc tác động không thuận lên nền kinh tế. Chính phủ đã xác định: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo. 

Do đó, tổng số vốn đầu tư công năm nay đã được tăng thêm khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021, lên tới 542.000 tỉ đồng, với kỳ vọng “nguồn vốn mồi” này sẽ thúc đẩy, kích thích nhiều nguồn vốn khác, qua đó tạo động lực cho tăng trưởng nền kinh tế và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị…

Và, để có thể giải ngân hiệu quả nguồn vốn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng chục Nghị quyết, trong đó có 3 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công và thành lập tới 6 Tổ công tác; Tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Thậm chí đã có rất nhiều công điện và văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Thế nhưng, 542 nghìn tỉ đồng "vốn mồi" dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần được giải ngân hết trong năm nay, đã qua 11 tháng mới chỉ giải ngân đạt 52,43% kế hoạch.

Rất nhiều nguyên nhân “cố hữu” được chỉ ra, như khó khăn giải phóng mặt bằng, quy định pháp luật chồng chéo, thiếu cơ chế chính sách trong quá trình triển khai thực hiện... Thế nhưng, khi có tới hơn hai mươi bộ, ngành, cơ quan trung ương xin được giảm vốn, trả lại gần 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của năm 2022 này, thì đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, liên quan đến câu chuyện trách nhiệm.

Giải ngân vốn đầu tư công và câu chuyện trách nhiệm - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Từ việc vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội được lát đá tự nhiên có tuổi thọ lên tới 50-70 năm nhưng chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng; Hay không ít đô thị, cứ đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm là vỉa hè, đường/cống - dù vẫn đang còn tốt, bền, thậm chí mới thay sửa chưa lâu đã lại được lật lên làm mới… Nhiều ý kiến cho rằng, ở một góc độ nào đó cần xem xét việc “trả lại” dự án đầu tư công là điều đáng mừng. Bởi đây là nguồn vốn mà nhiều năm nay không ít bộ, ngành, địa phương đã phải bằng nhiều cách, thậm chí “vẽ dự án” để “xin” cho bằng được. Việc xin giảm vốn, trả lại tiền, không tiêu được cũng đồng nghĩa đã thừa nhận có những dự án hoặc kém chất lượng ngay từ khâu thiết kế, hoặc “sợ trách nhiệm” nếu cố tình đầu tư sẽ không có hiệu quả. Điều này cho thấy “tiền công đã không còn là tiền chùa”!

Thế nhưng, đã gần hết năm mà việc giải ngân vốn đầu tư công mới được hơn nửa kế hoạch, trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần nguồn vốn này để tạo thanh khoản tốt hơn cho thị trường - trong khi cũng cùng cơ chế / thể chế / pháp luật ấy, rất nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất cao (lên tới 90 - thậm chí 100% kế hoạch) - rõ ràng cũng đã đặt ra câu chuyện trách nhiệm: Trách nhiệm của người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với không chỉ nguồn vốn “công”, với dự án đầu tư “công”, mà cao hơn, là trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Ý kiến của bạn