Giá xăng trong nước có cơ hội tiếp tục giảm
Giá dầu thô thế giới đồng loạt lao dốc khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể tiếp tục được điều chỉnh giảm tại kỳ điều hành ngày 11/12.
Đầu ngày 7/12 (theo giờ Việt Nam), trên Oilprice giá dầu WTI của Mỹ giao dịch mức 76,42 USD/thùng, dầu Brent giao dịch mức 82,07 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá ngày 1/12: Dầu WTI giao dịch giá 80,6 USD/thùng, dầu Brent giá 87 USD/thùng.
Trên thị trường Singapore, dữ liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng A92 là 87,26 USD/thùng, xăng A95 là 91,3 USD/thùng, dầu diesel là 115,8 USD/thùng.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá 21/11 và kỳ điều hành 1/12 là: 89,324 USD/thùng với xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5RON92), 93,965 USD/thùng xăng RON95 và 117,690 USD/thùng dầu diesel.
Trả lời VTC News, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho hay, nếu xu hướng giảm tiếp tục được duy trì, trong kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ giảm giá bán lẻ xăng, dầu trong nước. Mức giảm tùy thuộc vào việc trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG) và diễn biến giá dầu thế giới trước ngày điều chỉnh.
Tại kỳ điều hành giá vừa qua (1/12), liên Bộ Công Thương - Tài chính đồng loạt điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, xăng E5 RON92 giảm 992 đồng/lít, bán ra 21.679 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.083 đồng/lít, bán ra 22.704 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel giảm 1.588 đồng/lít, bán ra không cao hơn 23.213 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 1.078 đồng/lít bán ra không cao hơn 23.562 đồng/lít. Dầu mazut giảm 832 đồng/lít, bán ra không cao hơn 13.953 đồng/kg.
Liên bộ cũng trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON92 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước trích lập 250 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước trích lập 200 đồng/lít), dầu diesel ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước trích lập 300 đồng/lít); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không trích lập), dầu mazut ở mức 500 đồng/kg (kỳ trước trích lập 300 đồng/kg). Cơ quan điều hành không chi quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng dầu.
Đề xuất chưa tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường xăng dầu
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với dự thảo lần 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023.
Theo đó, thay vì kiến nghị áp dụng thuế suất linh hoạt 4 mức thuế tùy theo diễn biến giá dầu thô thế giới, Bộ Tài chính lại đề xuất tiếp tục áp dụng mức giá sàn trong khung thuế trong cả năm tới.
Cụ thể, thuế với xăng và nhiên liệu bay áp mức sàn 1.000 đồng/lít, thuế với dầu diesel 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hỏa 300 đồng/lít, mỡ nhờn 300 đồng/kg.
Từ 2024, thuế với các mặt hàng này sẽ quay về mức kịch trần, tức là 4.000 đồng/lít xăng, nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít, dầu hỏa là 1.000 đồng/ lít, mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự báo 2023 giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ở mức 95-105 USD/thùng (giảm 12-20% so với ước giá bình quân năm 2022). Như vậy, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ước tính năm 2023 tuy có giảm so với ước giá bình quân 2022 nhưng vẫn còn ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và sử dụng xăng dầu tăng cao để phục hồi kinh tế sau đại dịch, dự báo sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2023 vào khoảng 14,50 triệu m3 (hoặc tấn), tăng khoảng 10% so với sản lượng tiêu thụ năm 2022.
Trong khi đó, theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 thì từ ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ dầu hỏa) sẽ trở về mức trần trong biểu khung thuế, từ mức giá sàn đang áp dụng hiện nay.
Bộ Tài chính cho rằng việc mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng từ mức sàn về mức trần từ ngày 1/1/2023 (giai đoạn cận kề Tết nguyên đán) sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và sẽ tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Do đó, cần phải có giải pháp để góp phần ổn định giá xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô trong 2023.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất 4 kịch bản thuế môi trường với xăng dầu trong năm 2023. Tuy nhiên đề xuất này bị nhiều chuyên gia, doanh nghiệp không đồng tình./.
Tin nổi bật
Tin Video