Giá xăng quá cao khiến chính phủ các nước nghi ngờ và điều tra các công ty dầu
Các chính phủ đang cắt giảm thuế xăng dầu để hạ giá. Vậy tại sao người mua xăng vẫn phải trả số tiền cao kỷ lục để đổ xăng?
Theo trang Quartz, ở Đức và Anh, các công ty nhiên liệu đang phải đối mặt với các cuộc điều tra mới của chính phủ để xác định xem giá nhiên liệu cao có phải là kết quả của các hành vi chống cạnh tranh hay không. Đây chính là cuộc điều tra mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ tiến hành vào mùa thu năm ngoái và cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.
Cả ba quốc gia nói trên đang quay cuồng vì cú sốc giá xăng dầu tăng cao sau chiến tranh Nga-Ukraine. Cuối tuần qua, giá trung bình một gallon (3,78 lít) xăng ở Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức 5 USD. Tại Anh, giá xăng cũng lập kỷ lục khi đạt 8,54 USD/gallon.
Việc tăng giá quá cao này đã khiến các chính phủ hành động. Đức muốn trao cho các cơ quan quản lý cạnh tranh quyền lực mạnh mẽ để xử lý các công ty nhiên liệu không chuyển bớt lợi nhuận cho người tiêu dùng sau khi được cắt giảm thuế khẩn cấp.
Đức đã cắt giảm thuế nhiên liệu 30 xu/lít xăng kể từ ngày 1/6, tạo ra khoản tiền khoảng 3,1 tỷ USD nhưng không khiến giá xăng sụt giảm tương ứng. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức, đã kêu gọi sửa đổi luật chống độc quyền theo hướng mạnh mẽ hơn.
Tất nhiên, các công ty dầu mỏ có thể tuyên bố rằng khoản giảm thuế đã không thể nào bù nổi chi phí sản xuất và vận chuyển xăng.
Do đó, một phần trong cuộc điều tra của chính phủ Đức sẽ liên quan đến điều tra các công đoạn lọc dầu và bán buôn của lĩnh vực xăng dầu, để xác định xem liệu chi phí leo thang có thực sự là nguyên nhân dẫn đến giá xăng tăng vọt hay không.
Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường của Anh (CMA) cũng đang bắt đầu một cuộc điều tra tương tự. Chính phủ Anh đã cắt giảm thuế nhiên liệu vào tháng 3, trong thời hạn 12 tháng, có giá trị lên tới tổng cộng khoảng 5 tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, như ông Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Kinh doanh, đã báo cáo với CMA: “Người dân Anh thực sự thất vọng rằng gói trị giá 5 tỷ bảng dường như không phải lúc nào cũng làm giảm giá xăng và rằng ở một số các thị trấn, giá xăng vẫn cao hơn so với các thị trấn lân cận”.
Mặc dù Chính phủ Đức đã hứa sẽ phạt tiền nếu phát hiện ra bất kỳ hoạt động chống cạnh tranh nào, nhưng những cuộc điều tra như vậy hiếm khi dẫn đến hành động trừng phạt nghiêm khắc. Các công ty không thể bị buộc phải chuyển lợi nhuận có được từ cắt giảm thuế cho khách hàng. Các cơ quan giám sát cạnh tranh chỉ có thể điều tra nếu các công ty dầu mỏ đang thông đồng để giữ giá cao một cách giả tạo, mà điều này khó chứng minh.
Trong khi đó, vào giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, giá dầu đã lao dốc do nhu cầu giảm mạnh, xong giá mặt hàng này đã tăng lên khi thế giới nối lại hoạt động kinh tế. Giá dầu tăng mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng Ukraine, kéo theo các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga - một nhà sản xuất dầu mỏ chính. Xu hướng giá dầu tăng ổn định trở lại đã kéo theo giá xăng tăng lên.
Giá một thùng dầu thô tại London (Anh) và New York (Mỹ) đều khoảng hơn 120 USD. Theo số liệu của chính phủ, nhìn chung giá năng lượng của Mỹ trong tháng 5 đã tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này đã đẩy giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao kỷ lục trong 40 năm.
Trong bối cảnh giai đoạn nghỉ hè đang cận kề, người dân Mỹ, vốn ưa chuộng du lịch bằng xe hơi, sẽ chứng kiến giá năng lượng tiếp tục tăng cao. Điều này sẽ gây thêm áp lực cho người tiêu dùng, vốn đang phải vật lộn với chi phí thực phẩm, nhà ở, ô tô và dịch vụ y tế leo thang.
Đây có thể là tin xấu với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi chỉ còn 5 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ quan trọng. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11/2021, các cuộc thăm dò cho thấy kinh tế, lạm phát và giá xăng cao là những vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri.
Tin nổi bật
Tin Video