Giá xăng dầu thế giới tăng giảm thất thường, trong nước sẽ ra sao?
Giá xăng dầu thế giới trong những ngày qua diễn biến tăng giảm trái chiều song xu hướng chung là tăng, có thể gây áp lực đến giá bán lẻ trong nước kỳ điều chỉnh tới.
Đầu ngày 17/11 (giờ Việt Nam), ghi nhận trên Oilprice , giá dầu WTI giao dịch mức 85,55 USD/thùng, giảm 1,4 USD/thùng, tương ứng giảm 1,6%; dầu Brent ở mức 92,81 USD/thùng, giảm 1,05 USD/thùng, tương ứng giảm 1,12%. Trước đó, ngày 13/11, giá dầu WTI tăng lên mức 88,96 USD/thùng; dầu Brent tăng lên mức 95,99 USD/thùng.
Dữ liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cũng cho thấy thành phẩm giá xăng dầu trên thị trường Singapore có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, giá xăng RON95 giao dịch ở mức 103,69 USD/thùng, xăng RON92 mức 97,264 USD/thùng và dầu diesel mức 132,09 USD/thùng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 1 - 11/11 của xăng RON95 là 101,2 USD/thùng, xăng RON92 là 95,5 USD/thùng và dầu diesel là 132,4 USD/thùng.
Theo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh phụ thuộc vào biến động giá dầu thế giới. Do đó, với xu hướng hiện tại thì tại kỳ điều hành tới đây, giá bán lẻ trong nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ. Mức tăng cụ thể phụ thuộc vào diễn biến giá từ nay đến trước ngày điều chỉnh và việc sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG).
Trong nước, sau kỳ điều hành giá ngày 11/11, xăng E5 RON92 hiện có giá 22.711 đồng/lít, xăng RON95 có giá 23.867 đồng/lít. Dầu hỏa có giá 24.747 đồng/lít, dầu diesel có giá 24.983 đồng/lít và dầu mazut là 14.760 đồng/kg.
Kỳ điều hành vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu. Việc điều chỉnh này tác động làm tăng mức giá cơ sở đối với mặt hàng xăng E5RON 92 là 22 đồng/lít; xăng RON95 là 149 đồng/lít; dầu diesel là 726 đồng/lít; dầu hỏa là 47 đồng/lít.
Để hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập quỹ BOG đối với xăng E5 RON92, dầu diesel và dầu hỏa; giảm mức trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng RON95 và dầu mazut; không chi quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu.
Theo liên bộ, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời tiếp tục khôi phục Quỹ bình ổn giá để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Bộ Công Thương vừa có công văn hỏa tốc đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nghiên cứu, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định 83 và Nghị định 95 (nêu rõ lý do, phương án đề xuất sửa đổi) bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Văn bản tham gia ý kiến của doanh nghiệp gửi về Bộ Công Thương trước 20/11 để kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 11 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ Công Thương cũng cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi như: chu kỳ điều hành giá xăng dầu; quy định mức chiết khấu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá...