Kinh doanh

Giá vàng hôm nay 8/12: Bất động, chờ diễn biến mới

Giá vàng hôm nay ít biến động do giới đầu tư kỳ vọng sức cầu đối với mặt hàng này tăng khi Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19.

08/12/2022 08:24

Trên Kitco, lúc 15h ngày 7/12 (giờ Việt Nam) giá vàng thế giới được niêm yết ở ngưỡng 1.772 USD/ounce, không đổi so với cuối phiên giao dịch trước.

Giá vàng chững lại do giới đầu tư kỳ vọng sức cầu đối với mặt hàng này tăng khi quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19.

Tuy nhiên, áp lực với vàng vẫn còn khi USD nhấp nhổm tăng trở lại sau khi Mỹ công bố nhiều số liệu, trong đó có ngành dịch vụ, cho thấy nền kinh tế Mỹ khá vững chắc. Điều này khiến nhiều người lo ngại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục nâng lãi suất ở mức mạnh như trong các lần trước.

Trước đó, thị trường đánh cược vào khả năng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm, thấp hơn so với mức tăng 75 điểm trong lần họp trước.

Diễn biến giá vàng hôm nay

+ Giá vàng trong nước

Lúc 15h ngày 6/12, trên sàn giao dịch của Doji, giá vàng được niêm yết ở mức 66,1 - 66,9 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Giá vàng hôm nay 8/12: Bất động, chờ diễn biến mới - Ảnh 1.

Giá vàng bất động chờ diễn biến mới.

Trong khi đó, trên sàn giao dịch của SJC, vàng SJC có giá mua vào là 66,35 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,15 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 52,95 - 53,95 triệu đồng/lượng.

+ Giá vàng quốc tế

Giá vàng thế giới chiều nay đứng ở ngưỡng 1.772 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2022 đứng ở ngưỡng 1.773 USD/ounce.

Chủ tịch Fed Jerome Powell xác nhận, đợt tăng lãi suất nhỏ hơn có thể sẽ xảy ra. Mặc dù có một số tiến bộ nhưng còn chặng đường dài phía trước để ổn định giá cả.

Theo dữ liệu của CME Group, các thị trường đánh giá khoảng 65% khả năng Fed sẽ giảm mức tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản vào tháng 12, sau bốn lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP của nước này tăng 2,9% trong quý III/2022, sau khi giảm 0,6% trong quý II.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số việc làm trong tháng 10 là 10,3 triệu, giảm so với mức gần 10,7 triệu trong tháng 9. Tâm lý lo ngại trước các biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch tại Trung Quốc, có những tác động đến thị trường.

Dự báo giá vàng

Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Powell vào cuối tuần trước (ngày 30/11) đã gây ra biến động cực độ, dẫn đến giá tăng đột biến, đưa giá vàng tương lai lên mức cao nhất trong ngày là 1.817 USD/ounce. Những người tham gia thị trường ngay lập tức phản ứng với bài phát biểu của ông Powell bằng cách tập trung vào thực tế là Fed đang lên kế hoạch làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, hôm nay họ dường như bỏ qua nhận xét của ông Powell về cách Fed sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất.

Giới đầu tư đã nhanh chóng chuyển trọng tâm sang thực tế là Fed đang duy trì thái độ cực kỳ "diều hâu" với nhiều đợt tăng lãi suất hơn với tốc độ chậm hơn.

Nói cách khác, những người tham gia thị trường tập trung vào thời gian cần thiết để Fed giảm lạm phát xuống mức lãi suất mục tiêu hơn là thực tế Fed dự định giảm tốc độ tăng lãi suất.

Giá đang trong xu hướng tăng bốn tuần trên biểu đồ thanh hàng ngày. Mức kháng cự đầu tiên được nhìn thấy là 1.800 USD và sau đó là mức cao nhất trong tháng 11 là 1.806 USD. Mức hỗ trợ đầu tiên được nhìn thấy ở mức thấp trong tuần này là 1.778,1 USD và sau đó là 1.770 USD.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: " Trong ngắn hạn, việc tăng giá vàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sắp tới của Mỹ. Chúng tôi vẫn cho rằng, các đợt tăng lãi suất tiếp theo từ Fed sẽ ảnh hưởng đến vàng trong những tuần tới ".

Dữ liệu CPI tháng 11 sẽ được công bố vào ngày 13/12.

Trước đó, đồng quan điểm với Han Tan, nhà phân tích Matt Simpson của City Index cho biết, thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ - yếu tố đang hỗ trợ giá vàng.

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong một báo cáo công bố ngày 1/11 cho biết, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào gần 400 tấn vàng, trị giá khoảng 20 tỷ USD, trong quý III/2022, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua lên mức 673 tấn, cao hơn so với bất cứ năm nào kể từ năm 1967.

Động thái mua ồ ạt trên đã góp phần làm tăng nhu cầu với kim loại quý này của toàn cầu. Có vẻ như các ngân hàng trung ương trên thế giới đang “lên cơn sốt vàng” trong bối cảnh biến động địa chính trị, lạm phát tăng cao, xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Báo cáo của WGC cho biết, vào tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua liền tay gần 20 tấn vàng, trong khi Ấn Độ và Qatar cũng đang ráo riết mua kim loại quý này. Vàng này hiện chiếm 2/3 dự trữ của Uzbekistan còn Kazakhstan cũng tăng gấp đôi lượng vàng nắm giữ.

Theo giới phân tích, vàng đã trở nên hấp dẫn trở lại trong bối cảnh hiện nay và về lâu dài, kim loại quý này được xem là nơi trú ẩn an toàn, dường như miễn nhiễm với tình trạng hỗn loạn chính trị và tài chính địa phương.

Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý khi mặc dù vàng có sức chống chịu tốt hơn hầu hết các loại kim loại khác, nhưng giá của nó đã giảm 3% trong năm nay.

Ý kiến của bạn