Giá trị sinh ra từ rủi ro trong lòng Olympic Tokyo 2020
(VOVTV) - Mặc dù bị hoãn do đại dịch Covid-19, nhưng Thế vận hội mùa Hè Olympic Tokyo 2020 vẫn giữ nguyên tên và chính thức khai mạc vào tối nay (23/7) tại sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo.
Có thể nói đây là Thế vận hội mùa Hè thăng trầm nhất trong lịch sử Olympic bởi biến cố dịch bệnh. Nâng lên đặt xuống nhiều lần, ngay cả khi quyết định tổ chức giữa lúc toàn thế giới có khả năng sẽ bùng phát đợt lây nhiễm mới, và cả tính đến rủi ro sau khi sự kiện thành công, Tokyo sẽ phải chịu làn sóng lây nhiễm chủng mới khủng khiếp, nhưng có thể nói Olympic Tokyo 2020 sắp đi vào lịch sử thể thao hành tinh.
1. Chưa khi nào thấy hình ảnh sân vận động nơi diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất thế giới lại bị vây bọc kín bởi những bức từng sắt cao tới vài mét. Vòng ngoài là cảnh sát, dân phòng đứng từng tốp tại những nơi có thể tiếp cận gần.
Đường phố vắng vẻ hơn do Tokyo cho người dân nghỉ trong dịp này. Không khí thực sự không nhộn nhịp như những dịp Olympic trước đây diễn ra, bởi Lễ khai mạc không có khán giả mà chỉ có khách mời do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhật Bản cũng không trưng quá nhiều pano, áp phích quảng bá, và dường như tất cả người dân Tokyo cũng như người dân cả nước chào đón sự kiện thể thao này từ trong chính lòng mình, không ồn ào và rất điềm tĩnh, như tính cách của người Nhật Bản.
Cảnh sát được huy động nhiều hơn so với mấy ngày trước, không có nhiều nhóm người tụ tập cổ vũ. Trong tình hình hiện tại, điều quan trọng nhất là an toàn cho tất cả vận động viên. Thực sự có rất nhiều cảm xúc đan xen trong lúc này.
2. Có lẽ một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, với 4 năm chỉ có 1 lần, và lần này được tổ chức trong hoàn cảnh đặc biệt, với những quyết định đặc biệt như không có khán giả trong các trận thi đấu, nhiều lần bị yêu cầu tiếp tục hoãn hoặc hủy, thì nó đã trở thành một Thế vận hội lịch sử hiếm có. Người dân Nhật Bản đã dồn tâm lực cho Thế vận hội từ nhiều năm trước, với sự hân hoan và cả sự khắc khoải. Chính phủ Nhật Bản nỗ lực hết sức để tổ chức sự kiện. Hiện tại hàng vạn vận động viên trên khắp thế giới đã có mặt tại Nhật Bản.
Đương nhiên, mỗi cá nhân họ đang lo ngại chính mình sẽ có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhưng họ đã đến đây, với chặng đường từ nhiều năm trước chăm chỉ luyện tập, với những khát khao chiến thắng. Có những vận động viên háo hức với lần đầu tiên được tham dự, cũng có những vận động viên có thể là lần cuối cùng họ tham dự, và có những rủi ro chấn thương làm cho vận động viên nào đó không thể thi đấu trong suốt cuộc đời…Nhưng tất cả là phía trước, là những kỷ lục mới của môn bơi, của điền kinh…đó chính là giá trị của con người, của mỗi dân tộc mang hòa vào dòng chảy nhân loại. Giá trị đó đối với các vận động viên là vô cùng quí giá, và họ sẽ cống hiến hết mình.
3. Có rất nhiều thống kê về thiệt hại của nền kinh tế Nhật Bản do chính sự kiện Olympic Tokyo lần này mang lại. Olympic lần này khác hẳn với Olympic Tokyo năm 1964 và Thế vận hội mùa Đông tại Nagano năm 1998. Mỗi thế vận hội thực sự là cú hích cho sự phát triển trong từng giai đoạn. Không may mắn, đại dịch Covid-19 phát sinh, khiến Nhật Bản lao tâm khổ tứ, có lẽ ngay cả sau sự kiện được tổ chức thành công, thì rủi ro lây nhiễm virus biến thể mới gần như hiện hữu.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đạt được nhiều góc độ, đó là: Thứ nhất, hình ảnh đất nước vẫn được quảng bá, thậm chí được đẩy lên nhiều tầng giá trị nhất là xét tự sự quyết tâm và sẵn sáng chấp nhận. Thứ 2, hạ tầng thể thao qui mô quốc gia, quốc tế được hoàn thiện hơn, chuẩn bị cho những sự kiện tiếp theo. Thứ 3, uy tín quốc gia được củng cố khi quyết định tổ chức sự kiện trong hoàn cảnh khắc nghiệt hiếm có.
Đó chỉ là cách tiếp cận từ góc độ giá trị có thể mang lại, chứ không xét từ góc độ kinh tế, chính trị nào đó. Bởi đôi khi những giá trị được mang lại chính từ sự thiệt thòi và rủi ro. Hy vọng, Olympic Tokyo sẽ được tổ chức một cách an toàn và thoải mái nhất, rủi ro sẽ ít nhất, tinh thần đoàn kết sẽ cao nhất.
Tin nổi bật
Tin Video