Gia tăng bệnh nhi nhập viện do hô hấp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát
(VOVTV) - Thời gian gần đây, các bệnh viện nhi ở TP.HCM gia tăng số ca nhập viện vì bệnh lý về hô hấp. Đáng nói, số trẻ bị nặng phần lớn là dưới 6 tháng tuổi.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị nặng
Bé Lê Tuấn Khôi, 7 tháng tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 đến nay đã hơn 1 tháng. Trước đó, bé bị ho kéo dài, nhiều đờm, ói liên tục. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ bé Khôi cho biết, sau khi thấy nhiều triệu chứng bất thường, gia đình đưa bé vào khám và được đưa vào phòng cấp cứu để hỗ trợ hô hấp. Đến nay tình hình đã tiến triển khá hơn, nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị tại phòng cấp cứu của Khoa Hô hấp 2.
“Lúc trước bé phải thở áp lực dương liên tục nhưng bây giờ là thở qua râu. Lâu lâu bác sĩ cho con cai máy, tháo ra lắp vào để bé quen với cách thở của không khí ngoài trời. Hiện con vẫn còn thở khò khè nên bác sĩ chỉ định chụp CT để kiểm tra phổi. Sau đó mới biết được ngày bé xuất viện chứ giờ bác sĩ chưa thông tin cho về”, chị Liên nói.
Ngoài bé Khôi, trong khoa Hô hấp 2 còn có 15 trẻ khác phải nằm phòng cấp cứu, trong đó có 7 trẻ thở áp lực dương (NCPAP).
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, từ tháng 10 đến nay, bệnh lý hô hấp tăng cao. Bệnh tăng cao đột biến là viêm tiểu phế quản, viêm phổi bội nhiễm. Tại khoa Hô hấp 2, số bệnh nhân đang vượt quá số giường bệnh, có lúc gấp 1,5 lần.
Tại phòng khám, bệnh nhân đến khám cũng gia tăng. Số bệnh nhân nhập viện đông nên được chia về các khoa khác, như khoa Nội tổng hợp, khoa dịch vụ cũng tiếp nhận bệnh nhân hô hấp điều trị nội trú.
Theo bác sĩ CK2 Trần Quỳnh Hương - Trưởng Khoa hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2, có những thời điểm, hầu hết bệnh nhân nặng trong phòng cấp cứu đều dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, tình hình điều trị vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo phân tích của Bệnh viện Nhi đồng 2, trong số bệnh nhân viêm tiểu phế quản được xét nghiệm từ tháng 10 đến nay, phần lớn nhiễm RSV - virus hợp bào hô hấp, thường gây bệnh viêm tiểu phế quản vào giai đoạn này của năm. Một số ca nặng được xét nghiệm PCR cho kết quả nhiễm Adenovirus.
Bác sĩ Trần Quỳnh Hương cũng cho biết, hiện đang đợt dịch siêu vi, thời tiết thay đổi nên bệnh nhân hen suyễn cũng bị tái phát cơn hen nhiều và nặng. Số bệnh nhi đến khám cũng tăng cao trong 2 tuần này.
“Những em bé mà bệnh diễn biến nặng nhanh, nặng nhiều, thường là ở lứa tuổi nhỏ, nhất là dưới 6 tháng hoặc có trẻ có bệnh nền, ví dụ bệnh về hô hấp, phổi mạn tính, bệnh lý bẩm sinh. Vì lúc cơ thể em bé yếu hơn, khi bị nhiễm virus thì cũng bị nặng hơn”, bác sĩ Trần Quỳnh Hương cho hay.
Theo dõi phát hiện sớm trẻ trở nặng
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, so với cùng kỳ mọi năm thì số ca hô hấp ở trẻ đang giảm dần, nhưng vẫn ở mức cao.
TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trẻ điều trị tại khoa chủ yếu nhiễm trùng hô hấp, trong đó nhiều trẻ viêm hô hấp nặng, đặc biệt là viêm phổi và viêm tiểu phế quản. Đa số phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời và bệnh nhi từ các tỉnh chiếm 60% tổng số ca.
Theo Bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, số ca đến thăm khám các bệnh về hô hấp gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không quá nhiều. Riêng trong tháng 10, số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tăng 14%. Có khoảng 7% trẻ chuyển nặng phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần hết sức lưu ý khi chăm sóc và theo dõi trẻ mắc hô hấp để phát hiện diễn tiến trở nặng: “Theo dõi đếm nhịp thở xem bé có bị co rút lõm ngực không. Nếu có lõm ngực, có tím tái, thở bất thường, trẻ bỏ ăn, bỏ bú, rồi ngủ li bì, khó đánh thức, thở rít. Thậm chí có những trường hợp diễn biến nặng, rối loạn tri giác, em bé có thể bị co giật. Mặc dù bị viêm đường hô hấp nhưng một số trẻ có thể bị biến chứng qua não, phải đưa ngay tới bệnh viện”.
Theo số liệu báo cáo của các bệnh viện chuyên khoa Nhi trên địa bàn TP.HCM, số trường hợp điều trị ngoại trú, nội trú và tử vong của nhóm bệnh về hô hấp trong 10 tháng đầu năm có tăng nhẹ so với các năm 2021-2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước dịch Covid-19 (giai đoạn 2015-2020).
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2023, 4 bệnh viện gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành Phố đã tiếp nhận 238.000 ca khám bệnh hô hấp; số ca nhập viện là 39.400 ca; số ca tử vong cũng tăng với 223 trường hợp.
Theo các chuyên gia, nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Việc bệnh hô hấp tăng trong những tháng cuối năm khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, mưa nhiều cũng được ghi nhận trong những năm trước vì các cháu nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết. Tình hình mắc và tử vong do viêm phổi nặng ở trẻ em tại khu vực phía Nam trong những năm qua vẫn chưa có thay đổi đáng kể.
Phần lớn bệnh nhi tử vong do bệnh hô hấp có bệnh nền mạn tính đi kèm như: tiền căn sanh non, nhẹ cân, bệnh phổi mạn, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh lý huyết học bẩm sinh… Đây là nhóm bệnh lý phức tạp, việc giảm tỷ lệ tử vong của nhóm bệnh này ở trẻ em vẫn là thách thức đối với chuyên ngành nhi khoa, không chỉ của nước ta mà cả các nước phát triển.
Về tác nhân gây bệnh, Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện chưa ghi nhận tác nhân nào nổi trội bất thường, đa số là các tác nhân thông thường gây nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em như: Virus cúm mùa, virus Adeno, RSV, các vi khuẩn Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và Mycoplasma pneumoniae.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, giải pháp quan trọng giúp hạn chế lây lan mầm bệnh trong cộng đồng là tăng cường truyền thông thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thường xuyên đeo khẩu trang; rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi.
Tin nổi bật
Tin Video