Tin tức

Gia Lai: Sân golf, Rừng và Lòng tin

(VOVTV) - Việc tỉnh Gia Lai xin chuyển mục đích hơn 170 ha rừng thông cảnh quan đã trồng hơn 40 năm để Tập đoàn FLC thực hiện dự án sân golf, đang khơi lại sự chú ý cao độ của dư luận trong và ngoài tỉnh, sau khi Tổng cục Lâm nghiệp có công văn phản hồi về những thiệt hại lớn cho rừng có thể xảy ra, và đề nghị tỉnh cân nhắc cẩn trọng khi đề xuất chuyển đổi rừng thực hiện dự án.

Tác giả PV / VOV Tây Nguyên
18/12/2020 08:36

Dự án sân golf trên khiến dư luận lo ngại, không chỉ vì liên quan đến 2 việc chuyển đổi rừng đầy nhạy cảm, mà còn cho thấy mâu thuẫn trong tầm nhìn phát triển du lịch, sự mất lòng tin vào các cam kết trồng lại rừng từ các dự án đã chuyển đổi trước đây.

Gia Lai: Sân golf, Rừng và Lòng tin - Ảnh 1.

Thắng cảnh đồi cỏ hồng và rừng thông Đăk Đoa có thể sẽ không còn

Thời điểm này, Lễ hội Cỏ hồng và phiên chợ nông sản Đăk Đoa đã kết thúc được gần 1 tháng, nhưng vẫn còn nhiều du khách tìm đến thắng cảnh nổi tiếng. Khách đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh tìm đến đây trong hành trình du lịch sinh thái, những cặp vợ chồng từ Đăk Lăk tìm đến sự thơ mộng nhân kỷ niệm ngày cưới, và những cặp đôi hò hẹn… Họ đều bị quyến rũ bởi rừng thông và đồi cỏ. 

Về phía địa phương, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa, cho biết, từ 4 năm nay, huyện đã đều đặn tổ chức Lễ hội cỏ hồng kết hợp với phiên chợ nông sản, với kỳ vọng lớn là sẽ xây dựng nên một sản phẩm du lịch đặc sắc.

"Chúng tôi cố gắng phát huy và gìn giữ. Hàng năm đều cố gắng tổ chức tốt lễ hội này để làm sao Đăk Đoa nói riêng, Gia Lai nói chung, thu hút được khách du lịch. Và rất mong, Gia Lai sẽ trở thành một điểm hẹn, không chỉ cho du khách trong tỉnh, trong nước mà cả ngoài nước," ông Dũng chia sẻ.

Huyện đang nhiều kỳ vọng và đang nỗ lực xây dựng một sản phẩm du lịch có bản sắc riêng, du khách đang hào hứng với thiên nhiên tươi đẹp, thì tỉnh trình xin chuyển đổi nơi này  thành một sân golf, điều đó khiến không ít người thấy đáng tiếc.

Anh Trần Bình, một doanh nhân ở thành phố Plei Ku, dẫn người thân thưởng lãm thắng cảnh đồi cỏ hồng và rừng thông Đăk Đoa lo lắng rằng, khi xây dựng sân golf tại đây, thiên nhiên tươi đẹp này sẽ không còn.

"Cỏ hồng ở đây rất đẹp. Là dân ở đây, biết nhiều chỗ, nhưng mình rất mê cái đồi này. Mình nghĩ những gì là thắng cảnh du lịch thì mình không nên biến đổi nó mà nên phát triển nó. Như đây, đồi cỏ hồng này, thì mình làm cho nó đẹp hơn. Còn nếu làm sân golf thì lãng phí đi cái ưu đãi mà thiên nhiên đã dành cho mình," anh Bình nói.

Một du khách khác thì cho rằng,  du lịch sinh thái thì phù hợp với đa số người dân Gia Lai hơn là dự án sân golf.  

Gia Lai: Sân golf, Rừng và Lòng tin - Ảnh 2.

Dự án sân golf đang khơi lại sự chú ý cao độ của dư luận trong và ngoài Gia Lai

Trái với luồng tâm lý lo lắng của dư luận, không ít doanh nghiệp ở Gia Lai ủng hộ chủ trương xây sân golf của tỉnh. Các doanh nghiệp này cho rằng, với Gia Lai, đó là một hình thức xây tổ cho đại bàng. Việc thu hút được doanh nghiệp lớn vào đầu tư sân golf là tiền đề để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp khác, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. 

Chủ một doanh nghiệp, đề nghị không nêu tên cho rằng, phản ứng của người dân đối với việc chuyển đổi rừng, không đơn thuần là vì nỗi lo môi trường, mà vì mất lòng tin đối với các cam kết trồng lại rừng, đã và đang xảy ra ở rất nhiều dự án.

"Lòng tin ở chỗ là khi anh thực hiện cam kết, thì cây đó được di dời thì di dời đi đâu, việc định giá để trồng bù lại rừng thì tỉnh sẽ trồng ở chỗ nào, đã có phương án cụ thể chưa? Về phía doanh nghiệp, họ sẵn sàng đền bù đàng hoàng. Nhưng tỉnh có chắc dùng tiền đó để bù lại rừng không. Tỉnh phải thể hiện cam kết chứ! Tỉnh phải giao cho một đơn vị để triển khai việc đó," doanh nghiệp trên giải thích.

Theo đề án đầu tư ngành Thể dục thể thao của tỉnh Gia Lai, dự án sân golf Đăk Đoa được dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016-2025, với quy mô 197 hecta, toàn bộ trên đất lâm nghiệp và rừng thông trồng từ sau Giải phóng. Năm 2014, dự án được giao cho Cty CP Đầu tư Hội Phú triển khai. Sau đó, công ty này bị cho là chậm triển khai nên tỉnh đã thu hồi. Và nay, dự án được trao cho tập đoàn FLC. 

Liên quan đến dự án, có rất nhiều thông tin khác nhau. Dự án ban đầu được lập với quy mô 197 héc ta. Trên diện tích này có khoảng 4.500 cây thông sẽ bị cưa hạ hoặc di dời. Nhưng theo thông tin trang điện tử của tập đoàn FLC- FLC.vn, dự án này là “Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái” có quy mô 500 héc ta, nghĩa là nuốt trọn toàn bộ diện tích rừng thông thuộc địa giới xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đăk Đoa. Quy mô 197 ha chỉ là giai đoạn 1 của dự án. 

Còn theo văn bản hồi đáp của Tổng cục lâm nghiệp gửi UBND tỉnh Gia Lai mới đây, nội dung từ chối thẩm định tờ trình xin chuyển đổi của tỉnh vì chưa đủ hồ sơ gửi kèm, thì số rừng thông bị cưa hạ có thể lên đến 15.000 mét khối, gấp nhiều lần con số được biết đến trước đó. 

PV Đài TNVN đã liên hệ với UBND tỉnh Gia Lai và nhiều sở ngành, đơn vị liên quan để hỏi về độ sai lệch của các thông tin, nhưng vì các lý do, cả UBND tỉnh, các sở, ban ngành, đều chưa cung cấp thông tin.

Ý kiến của bạn