Gia Lai: Kbang kết nối di sản để phát triển du lịch
Sở hữu 2 vùng không gian gồm di sản văn hóa (khu vực phía Nam) và di sản thiên nhiên (khu vực phía Bắc), huyện Kbang có điều kiện để hình thành những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo ở Đông Trường Sơn.
Sở hữu 2 vùng không gian gồm di sản văn hóa (khu vực phía Nam) và di sản thiên nhiên (khu vực phía Bắc), huyện Kbang có điều kiện để hình thành những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo ở Đông Trường Sơn.
Thác 50 được ví là đệ nhất thác nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng hay Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng) là những điểm du lịch không còn mới mẻ nhưng luôn mang đến nhiều cảm xúc cho du khách. Đây là 2 điểm du lịch tiêu biểu cho 2 loại hình đặc trưng của vùng đất Kbang. Nếu thác 50 tiêu biểu cho du lịch sinh thái thì Mơ Hra như một “bảo tàng sống” để tìm hiểu di sản văn hóa của người Bahnar ở Đông Trường Sơn.
Kết nối di sản
Theo kế hoạch phát triển du lịch của huyện Kbang, vùng không gian phía Bắc sẽ tập trung xây dựng các mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp sạch tại các xã: Sơn Lang, Sơ Pai, Đak Krong, Kon Pne. Cùng với các mô hình canh nông có thể tận dụng làm du lịch, khu vực này còn có hệ thống thác kỳ vĩ như: Kon Bông, Kon Lốc, thác Rêu, thác 50... có thể kết hợp tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại, nghỉ dưỡng, tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa các loài gen động-thực vật quý hiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và rừng đặc dụng.
Với vùng không gian phía Nam, huyện tập trung xây dựng và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng. Khu vực này có Làng kháng chiến Stơr, làng Kjang, làng Mơ Hra, làng Chiêng, làng Kon Bông đã được đưa vào kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng của huyện. Đây là những ngôi làng Bahnar còn lưu giữ đậm đặc các giá trị di sản văn hóa, ẩm thực, nghề truyền thống và có khả năng phát triển nhà ở cộng đồng (homestay) phục vụ du khách. Khu vực này có các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng quan trọng như: Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu, Vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, Làng kháng chiến Stơr, Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak, Khu 10-xã Krong.
Ông Đinh Đình Chi, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: Hai vùng không gian du lịch kể trên không phát triển tách rời mà hướng tới kết nối để phát triển du lịch. Huyện định hình 2 vùng không gian du lịch để tập trung kêu gọi đầu tư, xác định hướng phát triển cho từng vùng có trọng tâm, trọng điểm. Cả 2 vùng sẽ được kết nối chặt chẽ trên nguyên tắc dựa vào di sản: di sản văn hóa kết nối với di sản thiên nhiên để hình thành không gian du lịch chung.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng, với diện tích rừng còn nhiều, Kbang còn có các sản phẩm dưới tán rừng, các loại cây dược liệu phong phú như: lan kim tuyến, sâm dây, nấm linh chi, mật ong, rượu cần… có thể trở thành những sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu du khách mua làm quà tặng độc đáo và giá trị. Kbang cũng tập trung xây dựng các trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, riêng có; đồng thời biến các mô hình này thành những điểm đến để du khách trải nghiệm, làm phong phú và đa dạng sản phẩm du lịch.
Tôn trọng văn hóa, thiên nhiên
Sở hữu nhiều tài nguyên du lịch có giá trị, song theo các chuyên gia, Kbang cần có kế hoạch phù hợp để du lịch trở thành con đường nhanh và ngắn nhất giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-đánh giá: “Huyện Kbang có nguồn tài nguyên phong phú bậc nhất về du lịch của tỉnh. Vùng đất này hội đủ các yếu tố để phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, Kbang còn có di tích Khu 10 là căn cứ cách mạng, là điểm đến giàu cảm xúc cho các cựu chiến binh lẫn thế hệ con cháu. Nếu nói du lịch chính là sự trải nghiệm thì Kbang chính là vùng đất tuyệt vời để trải nghiệm nhiều loại hình”.
Đề cập đến loại hình du lịch cộng đồng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai cho rằng: Loại hình này còn mới mẻ nên cần được nghiên cứu lựa chọn, học hỏi những mô hình thành công để tránh mất tiền, mất thời gian và chệch hướng. Chúng tôi luôn trăn trở, tìm cách hỗ trợ các địa phương để chính quyền và người dân hiểu rõ bản chất của du lịch cộng đồng. Hiện nhiều nơi vẫn còn lúng túng, chưa hiểu thấu đáo bản chất của loại hình này. Kbang có thế mạnh về di sản văn hóa, thiên nhiên và đã có mô hình bước đầu triển khai khá hiệu quả như Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để người dân tham quan, học tập những nơi đã triển khai thành công, đúc rút kinh nghiệm để triển khai đúng hướng, phù hợp. Tuyệt đối tránh các yếu tố phục dựng vì khách du lịch hiện nay sẵn sàng quay lưng với cách làm này. Du lịch cộng đồng cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán, tất cả các yếu tố hiện có của làng. Trên nền tảng ấy, quan trọng nhất là cần hướng dẫn bà con cách làm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trong chuyến khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Kbang mới đây, ông Vũ Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng cho rằng, cần bày cách cho người dân làm du lịch, đồng thời kết nối các di sản để mở rộng không gian du lịch vùng đất phía Đông.
Ông Nam chia sẻ: “Giá trị văn hóa chính là tài nguyên vô giá được khai thác tối đa trong phát triển du lịch cộng đồng nên cần được gìn giữ như những gì vốn có. Lòng tự hào đối với truyền thống văn hóa của người dân sẽ truyền cảm hứng cho du khách, quyến rũ họ, khiến họ khao khát tìm hiểu. Ngoài ra, địa phương, các doanh nghiệp du lịch cần vào cuộc trong xúc tiến, quảng bá, hướng dẫn bà con làm du lịch, tạo ra sản phẩm mới, trải nghiệm mới, đưa khách trực tiếp đến với cộng đồng, giúp người dân có được lợi ích kinh tế từ hoạt động này. Việc phối hợp, liên kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng theo tôi rất quan trọng”.
Về phía Tổng cục Du lịch, ông Nam cho biết thêm, đoàn đã đi khảo sát một số vùng miền núi của Việt Nam để có những định hướng chung hỗ trợ cộng đồng các dân tộc phát triển loại hình du lịch này một cách bền vững.