Tin tức

Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục giảm mạnh

(VOVTV) - Tại châu Âu, dữ liệu sàn giao dịch ICE ở London ngày 16/1 cho thấy, lần đầu tiên kể từ ngày 6/9/2021, giá giao dịch khí đốt ở châu Âu đã giảm hơn 10%, xuống dưới mức 650 USD/1.000 m3.

17/01/2023 13:26

Tại sàn giao dịch TTF ở Hà Lan, giá khí đốt hợp đồng kỳ hạn tháng 2 mở cửa ở mức 728,6 USD (tăng 0,2%) nhưng đến đầu giờ chiều giảm 10,3% còn 652,5 USD. Vài phút trước đó, giá giao dịch này đã giảm xuống còn 645,1 USD/1.000 m3 (giảm 11,3%) - lần đầu tiên sau hơn 16 tháng.

Giá khí đốt ở châu Âu giảm xuống dưới mức 700 USD/1.000 m3 gần đây nhất là vào ngày 5/1 - lần đầu tiên kể từ ngày 10/9/2021. Theo các chuyên gia, giá khí đốt giảm trên sàn giao dịch châu Âu do thời tiết đã ấm lên và sản lượng phong điện gia tăng hỗ trợ nguồn cung năng lượng.

Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm hiện nay, giá khí đốt vẫn cao hơn gấp đôi mức trung bình trong nhiều năm. Mức giá cao liên tục như vậy chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử hoạt động của các trung tâm khí đốt ở châu Âu kể từ năm 1996. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng đáng kể vào mùa Xuân năm 2021. Ở thời điểm đó, giá khí đốt tại trung tâm TTF dao động trong khoảng 250-300 USD/1.000 m3. Đến cuối mùa Hè, giá khí đốt tại khu vực này đã vượt mức 600 USD/1.000 m3 và vào mùa Thu là 1.000 USD/1.000 m3. Đến mùa Đông năm 2022, giá đã vượt ngưỡng 2.000 USD/1.000 m3 và vào đầu mùa Xuân năm 2023, do lo ngại lệnh cấm nhập khẩu các nguồn năng lượng của Nga, con số này đã đạt mức cao kỷ lục 3.892 USD/1.000 m3.

Châu Âu tiếp tục nỗ lực tìm các nguồn khí đốt mới nhằm tự chủ nguồn cung năng lượng. Các nước thành viên EU cũng đã áp dụng biện pháp áp giá trần khí đốt, song các nhà phân tích cho rằng cơ chế này chỉ có tác động vừa phải đối với việc giảm chi phí của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Các chuyên gia cảnh báo một đợt lạnh đột ngột vẫn có thể khiến giá khí đốt tăng trở lại.

Nhà phân tích thị trường năng lượng Thierry Bros, giảng dạy tại trường Science Po ở Paris, nhận định châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc lấp đầy các kho dự trữ vào mùa Hè này nếu không nhận được 30 tỷ m3 khí đốt từ Nga và giá khí đốt vẫn có thể tăng trở lại. Trong khi đó, ông Nicolas de Warren – Chủ tịch hiệp hội các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất của Pháp - cho biết sự cạnh tranh giữa châu Âu và châu Á để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng cũng có thể đẩy giá lên cao hơn.

Ý kiến của bạn