Giá khí đốt tại châu Âu lập kỷ lục mới do thiếu nguồn cung
(VOVTV) - Cuộc khủng hoảng nguồn cung ngày càng leo thang tại châu Âu khiến giá khí đốt tự nhiên đạt kỷ lục mới vào ngày 5/10, gây quan ngại về an ninh nhiên liệu vào mùa Đông năm nay tại châu lục này.
Giá khí đốt ở châu Âu đang tiếp tục đạt kỷ lục mới với 1.300 USD/1.000 mét khối trong bối cảnh mức lưu trữ khí đốt tại các cơ sở ở châu Âu tính đến tháng 9 đã trở nên thấp nhất lịch sử.
Dữ liệu của sàn giao dịch ICE, giá khí đốt tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 5/10 lại phá kỷ lục và đạt 1.300 USD/1.000 mét khối. Giá kỳ hạn tháng 11 trên trung tâm TTF ở Hà Lan đạt 1.300 USD trên 1.000 mét khối trong thời gian giao dịch.
Theo các nhà giao dịch và phân tích thị trường năng lượng, sở dĩ giá khí đốt trong thời gian qua tăng là do một số nguyên nhân như nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19; Nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất châu lục là Nga hạn chế nguồn cung; Nhu cầu gia tăng nguồn khí đốt ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trước việc giá khí đốt tăng mạnh trong những ngày gần đây, để đảm bảo nguồn cung trước mùa Đông cũng như tránh để các công ty lớn tại châu Âu thu mua, Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty năng lượng thu mua lượng than và LNG cần thiết mà không cần so đo giá cả.
Các nhà giao dịch và phân tích cảnh báo thị trường châu Âu có thể tiếp tục bị thắt chặt trong mùa Đông nếu thời tiết lạnh hơn bình thường. Trong khi đó, chuyên gia phân tích tín dụng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ), bà Elena Anankina cho rằng, với tình trạng chênh lệch cung cầu hiện tại, không hy vọng sẽ sớm tìm được một giải pháp lâu dài, bởi sự phụ thuộc của châu Âu vào nhập khẩu là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực nguồn cung.
Châu Âu nhập khẩu khoảng 60% lượng khí đốt, chủ yếu đến từ Nga, Algeria và Libya. Một phần còn lại được vận chuyển đến châu Âu bằng tàu biển từ Mỹ, Qatar và một vài nước khác.
Tuy nhiên, năm 2021, hệ lụy từ chi phí vận tải đường biển tăng cao, cộng hưởng với nhu cầu năng lượng tăng vọt ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil-các quốc gia vừa trải qua tình trạng khô hạn khiến nguồn điện từ các nhà máy thủy điện sụt giảm nghiêm trọng-đã góp phần làm khan hiếm nguồn cung cho thị trường năng lượng châu Âu.
Tại Anh, tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu cũng đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng 8, buộc hàng triệu khách hàng phải chuyển sang các nhà cung cấp khác. Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lao đao.
Tin nổi bật
Tin Video