Kinh doanh

Giá giảm sâu, người trồng thanh long ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn

(VOVTV) - Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, việc tiêu thụ thanh long ở Bình Thuận gặp khó, giá giảm sâu. Với mức giá hiện nay, bà con xem như trắng tay.

Tác giả Đoàn Sĩ / VOV TPHCM
16/01/2022 18:50

Ông Thái Hoàng Quân, ngụ ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình cho biết, có gần 500 trụ thanh long đã chín. Với mức giá từ 1.000-2.000 đồng/kg, nếu có bán được cũng chỉ đủ trả công cho công nhân.

"Mùa này, đến giờ gần Tết rồi ai cũng lo tiền hết, giờ muốn có tiền ăn Tết phải vay nóng, mượn ngoài thôi để lo cái Tết. Thanh long chong đèn trái vụ lại không có giá. Năm nay không ai nói về thanh long hết. Làm ăn thất bại, quá mệt mỏi", ông Quân tâm sự.

Giá giảm sâu, người trồng thanh long ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Thanh long bán không được giá, nhiều gia đình hái làm thức ăn cho bò. Ảnh: Đoàn Sĩ

Theo anh Nguyễn Văn Hiền, một thương lái ngụ tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, giá thanh long chong đèn trái vụ phục vụ thị trường Tết phải đạt 12.000-17.000/kg thì nông dân mới có lãi. Với mức giá hiện nay, bà con xem như trắng tay.

Giá giảm sâu, người trồng thanh long ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn - Ảnh 3.

Hạt thanh long xuất khẩu. Ảnh: Đoàn Sĩ

Anh Hiền cho biết: "Dân trồng thanh long đầu tư chong đèn mất 3.000 đồng/1 ký điện, còn thanh long bán ra từ 1.500 – 2.000 đồng thì sao mà có ăn. Công ty nó đóng cửa hết, thu mua đâu có được. Dân hái thanh long cho bò ăn, lỗ trắng luôn".

Để tiêu thụ lượng thanh long đang chín rộ, nhiều hộ dân đã tự thuê xe tải chở thanh long vào TP.HCM, Bình Dương hay lên Lâm Đồng bán với giá từ 5.000 -7.000 đồng/kg. Mức giá này nếu may mắn thì cũng chỉ bù được vốn.

Giá giảm sâu, người trồng thanh long ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn - Ảnh 4.

Nhiều nhà thuê nhân công cắt thanh long làm sạch vườn. Ảnh: Đoàn Sĩ

Dự kiến sản lượng thu hoạch thanh long ở Bình Thuận trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2022 khoảng 120.000 tấn. Trong khi đó, chỉ có 111 cơ sở thu mua với trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Một số cơ sở chế biến sản phẩm từ trái thanh long trên địa bàn cũng chỉ đáp ứng mức tiêu thụ khoảng 10% sản lượng.

Trước tình trạng thanh long bí đầu ra, rớt giá thê thảm, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã ưu tiên lựa chọn phương thức xuất hàng qua cảng biển, triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, tập trung vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước.

Ý kiến của bạn