Giá dầu châu Á sáng 28/6 đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2018
Giá dầu châu Á sáng 28/6 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, khi Mỹ và Iran vẫn tranh cãi về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân và trì hoãn hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran.
Giá dầu châu Á sáng 28/6 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, khi Mỹ và Iran vẫn tranh cãi về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân và trì hoãn hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran.
Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 8/2021 đã tăng 22 xu Mỹ (tương đương 0,3%) lên 76,40 USD/thùng vào lúc 7 giờ 51 phút (giờ Việt Nam).
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn cũng tiến 25 xu Mỹ (0,3%) lên 74,30 USD/thùng.
Yếu tố thu hút nhiều sự chú ý của giới đầu tư trong phiên này là đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ, sau khi thỏa thuận giám sát giữa Tehran và cơ quan giám sát hạt nhân thuộc Liên hợp quốc đã hết hiệu lực vào tuần trước. Dự kiến các bên sẽ tiếp tục đàm phán trong những ngày tới.
Bên cạnh đó, thị trường cũng dành nhiều quan tâm tới cuộc họp sắp tới vào ngày 1/7 giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+).
Hiện OPEC+ đang tăng sản lượng thêm 2,1 triệu thùng mỗi ngày trong giai đoạn từ tháng 5-7/2021 như một phần của kế hoạch nới lỏng dần chương trình cắt giảm sản xuất kỷ lục của năm ngoái.
Nhiều khả năng khối này có thể tiếp tục giảm bớt các hạn chế nguồn cung trong tháng Tám, khi giá dầu tăng do nhu cầu phục hồi.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ kỳ vọng OPEC+ sẽ cân bằng giữa nhu cầu tăng nguồn cung của thị trường với sự phục hồi mong manh của sức tiêu thụ tại cuộc họp này. Họ viện dẫn rằng sự phục hồi trong nhu cầu nhiên liệu máy bay tiếp tục bị giới hạn khi các nước vẫn thắt chặt kiểm soát biên giới quốc tế.
ANZ hiện kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng Tám, từ đó có khả năng hỗ trợ giá cao hơn.
Tin nổi bật
Tin Video