Tin tức

Giá cước xe công nghệ ở TP.HCM: Tăng nhanh, giảm chậm

(VOVTV) - Khi giá xăng tăng mạnh, các hãng taxi, xe công nghệ đồng loạt điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển. Tuy nhiên, đến nay khi giá xăng được điều chỉnh giảm thì giá vận chuyển vẫn chưa có điều chỉnh. Điều này khiến người tiêu dùng bị thiệt hại.

Tác giả Nguyễn Quang / VOV TPHCM
28/04/2022 10:11

Giá cước xe công nghệ "té nước theo mưa"

Do xe máy bị hư, anh Nguyễn Văn Minh, nhân viên một văn phòng ở quận 1, TP.HCM đặt xe grab để đi làm. Qua app công nghệ, anh Minh giật mình khi thấy mức phí đặt xe ô tô 4 chỗ của Grab tăng khá cao. Từ đường Phạm Hùng, quận 8 lên đến khu vực đường Nguyễn Du, quận 1, anh phải trả hơn 150.000 đồng tiền cước. Khi anh Minh thắc mắc thì người tài xế xe grab cho biết, do giá xăng liên tục tăng mạnh nên tháng trước hãng xe đã điều chỉnh cước phí.

Anh Minh bức xúc: “Người tiêu dùng rất bức xúc chuyện xăng tăng giá thì các dịch vụ Grab, vận tải hành khách, hàng hóa tăng... Tuy nhiên, xăng xuống thì không thấy điều chỉnh lại giá, vấn đề này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống thu nhập người tiêu dùng”.

Giá cước xe công nghệ ở TP.HCM: Tăng nhanh, giảm chậm - Ảnh 2.

Việc tăng cước phí được lý giải để bù đắp một phần chi phí vận hành, giúp tài xế trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích họ phục vụ tốt hơn

Theo khảo sát, dịch vụ gọi xe ôtô GrabCar, giá cước xe 4 chỗ ở khu vực TP.HCM tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng. Grab 7 chỗ tăng lên 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo.

Đó là chưa kể các loại phí, cước khác mà hãng này tự đặt ra. Xăng tăng, app gọi xe 'té nước theo mưa' tăng cước theo, khách hàng tốn thêm tiền nhưng tài xế thu nhập tăng thêm không đáng kể. Không chỉ vậy, app còn thu đủ loại phụ phí.

Đại diện Hãng xe Grap Việt Nam cho biết, giá cước trên chưa bao gồm phí nền tảng và các loại phụ phí khác, đồng thời có thể điều chỉnh linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày. Theo các lái xe, việc tăng giá cước do các chi phí đầu vào tăng nhưng họ vẫn không mong muốn điều này. “Giá tăng cao khiến khách hàng giảm đi lại, thu nhập lái xe cũng bị ảnh hưởng”.

Anh Ưu Vĩnh Phát, tài xế xe Grab tại Quận 3, TP.HCM nói: “Anh em tài cũng ý kiến mà không ai nghe, phải có người lắng nghe thì tài xế mới dám ý kiến, chứ anh em đây đã ý kiến nhiều, hiện nhưng giờ ôm xe rồi đành chịu. Tuy phí có tăng một chút lên nhưng tài xế chạy thành phố đường xá đông đúc vầy thì cũng vậy, cước tăng khách hàng cũng phàn nàn, họ đi nhiều họ biết”.

Tăng nhanh nhưng giảm thì từ từ tính

Không chỉ Grab mà hãng xe công nghệ Gojek và các hãng taxi khác như Vinasun, Mai Linh... cũng điều chỉnh tăng giá cước theo tình hình thực tế giá xăng dầu tăng. Đại diện hãng xe Grab cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi biến động của

Theo ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc thường trực Taxi Vinasun - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, việc tăng giá nhằm đảm bảo hài hòa về quyền lợi trong hoạt động kinh doanh và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Sau nhiều lần xăng tăng, năm nay cước phí chỉ mới được điều chỉnh một lần.

Một số hãng xe cam kết sẽ duy trì mức giá ổn định ngay cả dịp lễ Tết sắp tới. Ông Hỷ cho rằng, muốn tăng hay giảm giá cước cần phải có sự đồng tình chung của các hãng taxi, chứ từng hãng riêng lẻ không thể tự tăng hay giảm giá. Nhìn chung, các hãng phải chờ giá xăng dầu giảm với biên độ đủ rộng mới tiến hành họp các thành viên trong hiệp hội để thống nhất khung giảm giá chung.

Giá cước xe công nghệ ở TP.HCM: Tăng nhanh, giảm chậm - Ảnh 3.

Một số hãng xe cam kết sẽ duy trì mức giá ổn định ngay cả dịp lễ tết sắp tới

“Mức độ nhiên liệu, tăng giá hoặc xuống giá khoảng 10% thì lúc đó các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá. Còn bây giờ xăng lên xuống 1.000 đến 2.000 đồng thì doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng ổn định cước phí. Nói chung các hãng đều cơ bản vậy. Vì 4 đến 5 lần xuống giá thì mình buộc phải giảm giá cho bà con, nhưng giờ đây mấy lần xăng tăng giá, mà mới xuống có 1 lần thì sao bàn đến chuyện xuống giá được”, ông Hỷ nói.

Xăng là sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Việc xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng, giá dịch vụ tăng theo. Song khi giá xăng giảm, thậm chí giảm sâu, giá dịch vụ không thay đổi. “Tăng dễ, giảm khó” là câu chuyện rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng để tránh người tiêu dùng bị thiệt hại và nhìn rộng ra hơn và nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ý kiến của bạn