Kinh doanh

Giá cả hàng hóa đua nhau tăng: Giải pháp nào để bình ổn thị trường?

(VOVTV) - Giá xăng lập đỉnh tiến sát mốc 30.000 đồng/lít khiến giá cả nhiều dịch vụ, mặt hàng tiêu dùng tăng theo, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu hơn.

16/03/2022 16:23

Theo các chuyên gia kinh tế, có hiện tượng "té nước theo mưa", các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường.

Thực phẩm, rau quả tăng mạnh

Khảo sát tại chợ Mơ, chợ 8-3 tại Hà Nội, giá cả nhiều mặt hàng như rau củ quả đã tăng mạnh 50-100%; các mặt hàng thịt cũng tăng 20.000 – 30.000 đồng/kg.

Giá cả hàng hóa đua nhau tăng: Giải pháp nào để bình ổn thị trường? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia kinh tế, có hiện tượng "té nước theo mưa", các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường

Cụ thể, giá cà chua từ 10.000 đồng/kg lên 18.000-20.000 đồng/kg; dứa quả từ 8.000 đồng/quả lên 11.000 đồng/quả; bắp cải từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ. Rau ngót, rau cải cũng đã tăng từ 3.000-4.000 đồng/mớ và được bán 8.000 - 10.000 đồng/mớ.

Ngoài các mặt hàng rau xanh, giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ. Thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; nạc mông từ 100.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg; thịt sấn từ 100.000 đồng/kg tăng lên 110.000 đồng. Giá gà ta nguyên lông cũng tăng giá 20.000 đồng/kg, với giá bán từ 120.000 đồng đến 140.000 đồng/kg. Giá ốc nhồi đã tăng từ 80.000 đồng/kg thời điểm trong năm lên 160.000 đồng/kg.

Theo chị Nguyễn Thu Trang (Bạch Mai, Hà Nội), giá xăng tăng liên tiếp 7 lần từ trong Tết đến nay khiến nhiều mặt hàng tăng theo. Việc tăng theo giá xăng là đúng thôi, nhưng tăng 50%, thậm chí gấp 2 lần như hiện nay thì cao quá. Bình thường tiền đi chợ hàng ngày khoảng 100.000 đồng, thì nay mức chi phí đã phải tăng lên 130.000-150.000 đồng, tùy ngày.

"Giá xăng tăng, kéo theo giá gas tăng, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày đều tăng khiến gia đình tôi phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu không cần thiết khác", chị Trang ngán ngẩm nói.

Khảo sát tại tuyến phố Bạch Mai và khu vực chợ 8/3, nhiều cửa hàng ăn sáng phải tính tới chuyện tăng giá nếu các chi phí hàng hóa đầu vào vẫn cao như hiện nay. Cô Lê Thị Lý, Chủ quán Bún ốc tóp mỡ Cô Lý cho biết, cửa hàng của cô trong 4-5 năm qua đều không tăng giá, nhưng đến nay, tất cả chi phí từ hành tỏi ớt, thịt bò, ốc… đều đã tăng mạnh. Tính chung các chi phí tác động giá bán khoảng 15-20%.

Không chỉ người mua lẻ và các đầu mối nhà hàng chịu áp lực giá tăng, ngay với những người bán hàng, lấy mối từ các chợ về trong thời gian qua cũng bất ngờ khi giá tăng mạnh.

Cô Trần Thị Hạnh, đầu mối thịt bò tại chợ Mơ cho biết: "Từ trong Tết, các đầu hàng đã báo tăng giá khoảng 5%, nhưng mình cũng không dám báo nhà hàng tăng quá nhiều vì sợ mất mối khách lâu năm. Nếu có tăng, cũng chỉ dám tăng nhẹ với người mua lẻ".

Nguyên nhân được nhiều tiểu thương cho hay, giá xăng dầu tăng giá nên các đầu lấy hàng đều đã báo giá cao hơn. Dự kiến thời gian tới, giá có thể còn tăng tiếp.

Tăng cường kiểm soát thị trường

Giá xăng đã tăng mạnh khoảng 25% khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng theo. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tình trạng "té nước theo mưa" với nhiều mặt hàng khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19. Để bình ổn thị trường, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn.

Theo đại diện LOTTE Mart, việc giá xăng dầu liên tục tăng đã gây áp lực không nhỏ lên các nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống. Và rất khó để dự đoán giá sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian sắp tới.

Hiện nay thị trường đã thấy có sự lên giá của một số mặt hàng như: gạo, dầu ăn... nhưng đến thời điểm này hệ thống siêu thị LOTTE Mart vẫn đang cố gắng kéo dài thời gian áp dụng giá cũ. Đồng thời, đảm bảo ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.

Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong thời gian này, LOTTE Mart liên tục đàm phán hàng ngày với các đối tác để đề xuất mức giá tốt nhất cho khách hàng, đảm bảo hàng hóa đầy đủ, dồi dào. Song song đó là loạt các chương trình khuyến mãi nhiều sản phẩm nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống...

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá xăng tăng mạnh nhưng tác động của nó tới giá hàng hóa tiêu dùng, chỉ số CPI thực tế không nhanh và lớn như vậy. Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá 50-100% là quá nhiều.

Điều này không loại trừ việc người bán tăng giá theo giá xăng. Trong khi sức mua của người dân không cao, hàng hóa đang rất dồi dào, không hề khan hiếm mà lại tăng "sốc" và liên tục như vậy là điều cần xem xét lại. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây lũng đoạn thị trường, ông Phong nói.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia lĩnh vực bán lẻ cho rằng, người dân đi chợ mà như bị mất cắp, trước đây cầm 100.000 đồng có thể đảm bảo bữa ăn cho cả gia đình, nhưng thời điểm này thì phải ăn uống dè sẻn. Mặc dù giá xăng tăng cao sẽ có tác động nhất định, nhưng không thể nhanh và mạnh đến vậy, phải có độ trễ nhất định.

Do vậy, các ngành chức năng cần tổ chức các điểm bình ổn giá tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, đảm bảo kiểm soát thị trường. Đồng thời, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sớm có chính sách điều hành để giảm giá xăng, giảm bớt áp lực lên người dân.

Theo Bộ Tài chính, Bộ này sẽ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.

Ý kiến của bạn