Khám phá

Ghé thăm ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất Cà Mau

(VOVTV) - Tồn tại từ năm 1788, chùa Rạch Giồng là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở Cà Mau. Trải qua biết bao thay đổi của thời gian, Rạch Giồng vẫn luôn là sự tự hào của người dân Khmer trong những phum, sóc (phum là một kiểu cụm dân cư và nhiều phum hợp thành sóc - PV) nơi đây.

Tác giả PV / VOVTV
10/12/2020 17:25

Chùa Khmer Rạch Giồng nằm ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đối với người Khmer, từ bao đời nay, nơi nào có phum sóc, nơi đó có chùa. Người Khmer luôn coi chùa là ngôi nhà lớn, quan trọng nhất, vì vậy chùa thường đường đặt ở vị trí trung tâm, nơi đất cao thể hiện sự thiêng liêng, với kiến trúc uy nghi, rực rỡ.

Ghé thăm ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất Cà Mau - Ảnh 1.

Chùa Rạch Giồng tồn tại đến nay đã hơn 200 năm

Trong tiếng Pali, chùa tức là Arama, cũng đồng nghĩa với công viên. Vì vậy, người Khmer luôn coi chùa như công viên. Đó là không gian thể hiện cuộc đời tu hành của Đức Phật giữa cỏ cây, hoa lá để khi bước vào, phật tử sẽ thấy sự thanh tịnh, nhẹ nhàng trong tâm hồn. 

Chùa Rạch Giồng có khuôn viên rộng gần 3ha, ở đó, tái hiện cuộc đời Đức Phật từ khi còn là hoàng tử cho đến khi nhập cõi niết bàn. Với những bức tượng trong các tư thế khác nhau, đứng, ngồi, nằm, thể hiện các giai đoạn trong quá trình tu hành của ngài.

Khuôn viên chùa Rạch Giồng

Trong văn hóa Khmer, rắn thần Naga là loài vật linh thiêng và gắn liền với Phật giáo. Có rất nhiều sự tích về cuộc đời Đức Phật với loài vật này. Trong đó có một sự tích kể rằng khi Đức Phật ngồi thiền gần bờ sông Much Cha Linh, trời nổi giông gió, mưa lớn, chúa rắn Naga bảy đầu xuất hiện và cuộn thân mình thành vách ngăn nước và lấy đầu làm mái che mưa cho Đức Phật. Vì thế, ở khuôn viên của nhiều ngôi chùa Khmer thường có hình ảnh rắn thần Naga che mưa cho Đức Phật.

Rắn Naga là mô típ trang trí quan trọng và phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Khmer. Rắn Naga ngự trên mái chùa, các đầu đao mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và bảo vệ Đức Phật, quanh co, uốn lượn ở các lối lên xuống thể hiện những thông điệp khác nhau...

Rắn Naga mang ý nghĩa bảo vệ Đức Phật

Rắn Naga còn là biểu tượng cho oai lực vô biên của Đức Thế Tôn trong quá trình truyền pháp và độ thế. Bởi lẽ rắn Naga là loài có phép thần thông, hủy diệt nhưng nhờ oai lực, cũng như tấm lòng từ bi của Đức Phật, loài vật đại diện cho cái ác hoàn toàn được thiện hóa, từ đó trong tiếng Phạn "Naga" có nghĩa là hủy bỏ mọi tội ác.

Ngôi chánh điện của chùa Rạch Giồng được xây dựng năm 2012 với các đường nét hoa văn chạm trổ công phu, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer với tinh hoa văn hóa dân tộc. Cũng giống hầu hết các ngôi chùa Khmer, chùa Rạch Giồng được xây dựng theo phương pháp ngũ điểm, trong đó chánh điện đặt ở vị trí trung tâm. Đây là công trình lớn nhất, quan trọng nhất trong quần thể kiến trúc chùa Khmer. 

Chánh điện chùa Rạch Giồng được đánh giá là một trong những ngôi chánh điện đẹp nhất trong các chùa Khmer tỉnh Cà Mau

Chánh điện luôn được xây trên nền cao tượng trưng cho núi Tudi (theo quan niệm của Phật giáo, núi Tudi là ngọn núi thiêng với 5 đỉnh được xem là trung tâm của vũ trụ). Chánh điện quay về hướng Đông, hướng sinh sôi nảy nở và Đức Phật ngự trị ở phía Tây thường hướng về phía Đông để trao phước lành.

Xung quanh chánh điện là những tháp lớn nhỏ, cao thấp và mang nhiều kiểu kiến trúc khác nhau để thờ hài cốt thân nhân các gia đình phật tử trong phum, sóc. Các tháp cốt này được ví như những ngọn núi nhỏ bao bọc núi Tudi.

Người Khmer luôn coi chùa là ngôi nhà lớn, quan trọng nhất vì vậy các ngôi chùa ở đây luôn thể hiện sự lỗng lẫy, rực rỡ. Có thể nói chùa Khmer giống như không gian trưng bày và lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo của cac nghệ nhân dân gian. 

Nếu không gian ngoài trời là không gian của điêu khắc, trong chánh điện lại là không gian của nghệ thuật hội họa

Những bức tranh sơn dầu sống động phủ kín chánh điện tái hiện sự tích của Phật Thích Ca được vẽ bởi chính các nghệ nhân Khmer. Đó không chỉ câu chuyện về cuộc đời tu hành của Đức Phật để răn dạy phật tử đi theo con đường hướng đạo, đây còn là nơi người Khmer thể hiện sự tôn kính cũng như tài năng của mình đối với ngôi chùa là niềm tự hào trong phum, sóc. 

Khác với nhiều ngôi chùa, các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni, vì vậy hệ thống tượng thờ trong chánh điện khá đơn giản. Cao nhất và chính giữa là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài đắc đạo. Thấp hơn là nơi tôn trí các tượng Phật đứng, ngồi và nằm. Mỗi tư thế đều mang tầng nghĩa riêng. 

Ghé thăm ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất Cà Mau - Ảnh 6.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài đắc đạo

Ghé thăm ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất Cà Mau - Ảnh 7.

Tượng Phật ngồi và nằm

Chùa có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Khmer. Đó là ngôi nhà lớn, là nơi người ta thể hiện văn hóa tín ngưỡng, đây cũng đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Mỗi họa tiết, mỗi hình khối, mỗi nét kiến trúc của ngôi chùa Rạch Giồng chính là một nét văn hóa của đồng bào Khmer ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây vừa là không gian thiêng liêng, vừa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng anh em sống trên địa bàn. 

Tìm hiểu về mỗi ngôi chùa Khmer, cũng chính là tìm hiểu về những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Khmer.


Ý kiến của bạn