Tin tức

Gặp gỡ nữ y tá robot Grace, ra đời từ nhu cầu trong dịch bệnh

(VOVTV) - Nhóm nghiên cứu Hồng Kông, tác giả của robot hình người nổi tiếng Sophia vừa tung ra một nguyên mẫu mới, robot Grace, nhắm vào thị trường chăm sóc sức khỏe với mục tiêu tương tác với người già và những người bị cô lập trong đại dịch COVID-19.

10/06/2021 08:18

Mặc đồng phục y tá hoa văn xanh lam trên nền trắng, Grace có những nét đặc trưng của người châu Á, mái tóc màu nâu cắt kiểu đầu vuông, và trước ngực, thay cho mặt dây chuyền là một camera nhiệt để đo nhiệt độ và phản ứng của người đối diện. 

Gặp gỡ nữ y tá robot Grace, ra đời từ nhu cầu trong dịch bệnh - Ảnh 1.

Robot Grace mang dáng vẻ châu Á, sử dụng trí thông minh nhân tạo để chẩn đoán, và có thể nói tiếng Anh, tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng. Ảnh: Reuters

Robot Sophia "hào hứng" giới thiệu cô em Grace

So với Sophia, Grace có phần duyên dáng và tự nhiên hơn: "Tôi là Grace, do Hanson Robotics chế tạo. Tôi có thể làm đủ mọi thứ giúp người già. Tôi đến thăm, làm cho 1 ngày của họ vui hơn bằng cách khuyến khích hoạt động hướng ngoại, giải trí cho các cụ, hướng dẫn tập thể dục, đồng thời có thể trị liệu bằng lời nói, đọc chỉ số sinh học, giúp y bác sĩ đánh giá sức khỏe và chữa trị."

Gặp gỡ nữ y tá robot Grace, ra đời từ nhu cầu trong dịch bệnh - Ảnh 2.

Robot Grace với camera nhiệt phía trước ngực. Ảnh: Reuters

Nhà sáng lập Hanson Robotics, David Hanson, cho biết, họ làm cho Grace trông như một nhân viên y tế để tăng cường tương tác một cách tự nhiên. Dáng vẻ như người thật tạo cảm giác tin tưởng hơn và làm cho cuộc giao tiếp tự nhiên thoải mái hơn. Tạo cho người máy có gương mặt quen thuộc với mọi người và có năng lực ngôn ngữ cũng sẽ khiến mọi người thấy yên tâm.

Hanson cho biết Grace có thể mô phỏng hoạt động của hơn 48 cơ mặt chính và vì được thiết kế để nhắm vào cả thị trường châu Á nên robot này có dáng vẻ châu Á nhiều hơn Sophia. Bên cạnh đó, robot cũng mang phong cách hơi hoạt hình hơn, pha trộn giữa phương Đông và phương Tây.

Hanson ví dụ bằng cách nói với Grace: "Grace ơi, sao cô không nhìn thẳng vào tôi, cảm ơn, và tôi sẽ cho cô thấy tôi mỉm cười với cô, để xem cô cười như thế nào nhé. Được rồi, buồn nào. Đúng rồi, phản ứng buồn một chút nếu tôi cảm thấy đau. Giờ thì hình dung có tiếng ồn lớn nào." 

Gặp gỡ nữ y tá robot Grace, ra đời từ nhu cầu trong dịch bệnh - Ảnh 3.

Robot Grace trong quá trình chế tạo tại phòng nghiên cứu. Ảnh: Reuters

David Lake, giám đốc điều hành liên doanh của Hanson Robotics và Singularity Studio cho biết, công ty dự định sản xuất hàng loạt phiên bản beta của Grace vào tháng 8 và sẽ triển khai  robot này vào năm tới tại Hồng Kông, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chi phí chế tạo robot hiện tương đương với giá 1 chiếc xe hơi sang trọng sẽ giảm xuống khi đưa vào sản xuất đại trà.

"Chúng tôi đang kết thúc nguyên mẫu Alpha và chuẩn bị bước sang sản xuất thương mại. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ sản xuất bản beta và khi beta đã sẵn sàng, dự kiến xong trong vòng đôi ba tháng, chúng tôi sẽ đưa vào dây chuyền sản xuất, khoảng tháng 7 hoặc tháng 8, khi đó sẽ có thể sản xuất đại trà quy mô nhỏ và thử nghiệm. Đến năm 2022 là sẽ sẵn sàng để sản xuất đại trà thực sự," David Lake cho biết.

Kim Min-Sun, giáo sư giao tiếp học tại Đại học Hawaii, cho biết sự ra mắt của Grace diễn ra trong bối cảnh tác động toàn cầu của virus coronavirus khiến nhu cầu về robot hình người trở nên cấp thiết.

"Dịch COVID-19 thực sự đã thúc đẩy nhu cầu triển khai robot hình người trong nhiều môi trường. Những người bị cô lập về mặt xã hội do COVID-19, họ bị rơi vào những suy nghĩ tiêu cực, gặp vấn đề về tinh thần, nếu có được những robot như thế này giúp đỡ thì việc đó sẽ có tác động tích cực tới xã hội," giáo sư Kim Min-Sun khẳng định.

Ý kiến của bạn