Găng tay khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân chỉ dùng 1 lần
Tại Việt Nam, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp đặt công tác an toàn sinh học trong lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm COVID-19 luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Đại dịch COVID-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp trên thế giới cũng như ở trong nước. Trong công tác phòng chống dịch, việc xét nghiệm để phát hiện sớm và phát hiện chính xác ca mắc bệnh là điều cấp thiết.
Hiện nay, có thông tin lo lắng cho rằng trong khâu lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, có thể xảy ra tình trạng người lấy mẫu bệnh phẩm dùng 1 chiếc găng tay khi lấy mẫu cho nhiều người dễ làm lây lan dịch bệnh cho những người sau đó...
Về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay những cán bộ làm công tác xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng và các mẫu bệnh phẩm. Vì vậy, các cán bộ y tế đã được hướng dẫn cách sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và các bước trong quy trình lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Đây là công việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh phẩm của người bệnh, có nguy cơ lây nhiễm rất cao nên các cán bộ y tế được hướng dẫn chi tiết từ khâu mặc, tháo trang phục phòng hộ cá nhân đến các bước trong việc hoàn thiện một quy trình lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm cho người bệnh.
Theo bác sỹ Cấp, như đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, về nguyên tắc, mỗi nhân viên y tế khi lấy mẫu sẽ thay găng tay mới cho từng người, găng tay sau khi dùng lấy mẫu xong cho 1 người sẽ bỏ đi. Găng tay là vật tư y tế có nhiều, giá thành rẻ và không thiếu nên không có chuyện 1 đôi găng dùng lấy mẫu cho nhiều người.
“Hiện nay, găng tay có rất nhiều nên không cần tới phương án dùng găng tay giặt lại. Về nguyên tắc, mỗi một người khi lấy mẫu xong đều thay găng. Bởi khi lấy mẫu bệnh phẩm ở mũi, họng, ttay nhân viên y tế chặn ngay trước mũi bệnh nhân nên khi họ hắt hơi hoặc ho sẽ có giọt bắt nên mỗi lần lấy mẫu bắt buộc phải thay găng mới,” bác sỹ Cấp phân tích.
Bác sỹ Cấp chỉ rõ, hiện nay găng tay là loại vật tư không thiếu, kể cả trong trường hợp có thiếu găng tay thì cũng có thể tính đến phương án lấy găng tay cũ mang ra giặt xà phòng xong phơi khô dùng lại, vì với găng tay không cần vô trùng, chỉ cần sạch và không dính bột tan.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, xét nghiệm là công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… tất cả các quy trình đều phải thật tỉ mỉ, chuẩn xác.
Vì vậy, các nhân viên y tế được tập huấn rất kỹ càng, bởi chỉ cần lơ là một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác dù chỉ là một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm không đúng cũng sẽ làm sai lệch kết quả, rất nguy hiểm, ảnh hướng trực tiếp tâm lý, sức khỏe bệnh nhân, công tác điều trị và ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế quy định, bệnh phẩm nghi nhiễm COVID-19 phải được thu thập bởi các nhân viên y tế đã được tập huấn về an toàn sinh học. Tất cả các mẫu bệnh phẩm được thu thập để điều tra trong phòng xét nghiệm nên được coi là có khả năng lây nhiễm và các nhân viên y tế thu thập hoặc vận chuyển mẫu bệnh phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn và các quy định quốc gia hoặc quốc tế về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (các chất gây lây nhiễm) để giảm thiểu khả năng phơi nhiễm với mầm bệnh.
Trong đợt dịch lần thứ 4, từ 29/4/2021 đến nay, các nhân viên y tế đã thực hiện 2.171.076 mẫu cho 4.818.269 lượt người trên cả nước.
Tin nổi bật
Tin Video