Gần 10.000 công nhân, với hơn 15 doanh nghiệp tại Bắc Giang trở lại hoạt động
Dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát và khống chế, theo đó, việc đảm bảo tuyệt đối an toàn chống dịch trong các doanh nghiệp khi tái hoạt động là vô cùng quan trọng với Bắc Giang.
Sau khi đóng cửa tất cả các khu công nghiệp (KCN) để chống dịch COVID-19, khiến kinh tế của tỉnh mỗi ngày thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng, Bắc Giang hiện có 2 nhiệm vụ song hành vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, việc đóng cửa các KCN đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề và không thể kéo dài lâu bởi “sức chịu đựng” của tỉnh, doanh nghiệp (DN) và công nhân đều có hạn.
Hơn nữa, trên địa bàn Bắc Giang có rất nhiều DN thuộc chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới, do vậy việc dừng sản xuất có thể khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ví dụ như Samsung Bắc Giang đóng cửa trong thời gian dài thì cũng sẽ khiến Samsung Thái Nguyên, Samsung Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu sản phẩm, nguyên phụ kiện đầu vào.
“Mô hình khép kín” với công nhân
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang đang phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo tỉnh để tìm giải pháp đưa các DN trở lại hoạt động an toàn. Đến nay, đã có 35 đoàn công tác gồm đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Giang được thành lập, để kiểm tra giám sát thực tế, rà soát từng DN, đánh giá nguy cơ theo Quyết định 2194 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-91 ban hành năm 2020, để rà soát nguy cơ của từng doanh nghiệp.
Theo đó, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, lan nhanh vào các KCN, nếu DN chưa đáp ứng đủ điều kiện sản xuất an toàn chống dịch thì yêu cầu khắc phục ngay. Với DN không khắc phục thì dừng sản xuất. Đối với những DN đang tạm bị phong tỏa, khi triển khai đủ điều kiện mới được trở lại hoạt động.
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ cách ly y tế và xử lý môi trường thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt cho biết: “Điều kiện chung để được sản xuất trở lại đối với các DN là chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5/2021 trở lại đây và có 2 lần xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 (kể từ ngày 9/5/2021 trở lại đây), trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc là 1 ngày.
Công nhân đủ điều kiện quay trở lại sản xuất sẽ được bố trí ở tại DN hoặc ký túc xá (KTX) riêng biệt của doanh nghiệp. Công nhân ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng”.
Bên cạnh đó, trước khi tổ chức sản xuất lại, DN phải bố trí đón công nhân đến nơi ở tập trung ít nhất 3 ngày trước khi làm việc và thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ lao động. DN phải phải bố trí phương tiện đưa, đón người lao động từ KTX đến nơi làm việc và từ nơi làm việc trở về KTX; Thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 liên tục đối với toàn bộ công nhân.
Đây là mô hình trên khép kín với công nhân từ công ty đến khi về nơi ở để đảm bảo an toàn ở mức tối đa trong sản xuất. “Chúng tôi cũng tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang ban hành bộ tiêu chí đánh giá cho DN trở lại sản xuất an toàn. Trong thời gian rất ngắn (3 tuần), Bắc Giang đến nay đã đưa gần 10.000 công nhân, với hơn 15 DN trở lại sản xuất. Ngoài ra, còn có gần 40 DN đã thẩm định, chờ đón công nhân vào triển khai sản xuất”, ông Nam cho biết thêm.
Bắc Giang sẽ là mô hình chống dịch trong KCN
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng một phần mềm quản lý DN từ nơi sản xuất cho đến nơi ở của công nhân. Theo đó, xác định cụ thể công nhân sử dụng phương tiện nào đến công ty, ở cùng nhà trọ với ai, những người ở cùng làm ở DN nào… Trong trường hợp, phát hiện ca dương tính trong DN hay trong một phân xưởng, lực lượng truy vết có thể ngay lập tức trong khoảng 10 phút xác định những trường hợp tiếp xúc và khu vực F0 từng có mặt... Do đó, có thể phong tỏa tạm thời ngay lập tức để tổ chức điều tra dịch tễ và xét nghiệm các trường hợp có liên quan.
Theo ông Dương Chí Nam, các DN đã đi vào sản xuất đã áp dụng mô hình công nhân ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ. Việc này không những giúp từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho người lao động mà còn góp phần giảm tải cho các khu cách ly xã hội.
Tuy nhiên, một bài toán khó cũng được đặt ra trong giai đoạn tới, khi 100% công nhân quay lại làm việc thì không thể ở hết được trong DN mà phải phân tán trong các khu nhà trọ. Do vậy, Bộ phận thường trực đặc biệt đã đề xuất lãnh đạo tỉnh Bắc Giang việc sắp xếp công nhân cùng công ty ở cùng một khu nhà trọ, để tránh trường hợp dịch lây lan từ công ty này sang công ty khác.
Các chuyên gia Bộ Y tế cho rằng, nếu triển khai được mô hình này thì Bắc Giang sẽ là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước và sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm chống dịch COVID-19 trong KCN để chia sẻ với các địa phương khác.
Tin nổi bật
Tin Video