Game show Việt trên mạng phản cảm và vô bổ
Nhiều chương trình về hẹn hò, mai mối, giới tính… được đăng tải trên mạng bị khán giả phản ứng vì nội dung thiếu văn minh, phản cảm.
Khoảng vài năm trở lại đây, xu hướng tự sản xuất game show và đăng tải trên mạng được nhiều nhà sản xuất Việt lạm dụng. Không còn bị hạn chế về thời lượng, khâu kiểm duyệt như khi kết hợp với nhà đài để lên sóng, vô số chương trình về hẹn hò, mai mối, giới tính… ra đời nhiều như nấm mọc sau mưa.
Song, chính khâu biên tập nội dung không kỹ lưỡng, lựa chọn nhân vật cẩu thả, cố tình khai thác những câu chuyện phản cảm để câu view khiến cho nhiều tập của các game show trên bị chỉ trích từ phía người xem.
Điều đáng nói, dù nhiều lần được truyền thông phản ánh, khán giả kêu gọi tẩy chay, quay lưng, song các nhà sản xuất vẫn không có dấu hiệu nhận lỗi và muốn thay đổi. Họ vẫn tiếp tục sản xuất các chương trình đầy sạn bẩn.
Sạn bẩn trong các game show
Ngày 2/6, tập 288 của chương trình Hẹn ăn trưa - một trong số những game show hẹn hò của MCV Media – lên sóng và vấp phải phản ứng từ khán giả.
Cụ thể, một người đàn ông tên Nguyễn Xuân Lộc (39 tuổi, quê Đắk Lắk) đến chương trình để tìm bạn đời. Anh mang bên mình một cuốn sách, trong đó liệt kê đầy đủ những tiêu chí lựa chọn vợ và cho biết: “Người phụ nữ này phải trong sáng và trinh tiết tuyệt đối”.
Nhân vật khách mời nữ chia sẻ cô xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn. Từ nhỏ, cô mồ côi cha mẹ, phải làm nhiều công việc nặng nhọc để mưu sinh. Hiện, cô là nhân viên giao hàng và chưa từng trải qua bất cứ mối tình nào ở tuổi 39. Tuy nhiên, vì gặp một tai nạn khi còn nhỏ nên bản thân nhân vật không chắc mình còn trinh tiết như yêu cầu của người đàn ông ở trên.
Đáp lại những lời chia sẻ thành thật của nhân vật nữ, người đàn ông tên L. tỏ ra dửng dưng, không cảm xúc. Người này mong muốn dừng lại câu chuyện và cho biết cả hai không hợp, thậm chí còn không tặng quà cho người phụ nữ đối diện theo kịch bản.
“Tôi ghi yêu cầu từ đầu là tuyệt đối phải trinh tiết. Sách này người ta yêu cầu thế kia mà", người này nhấn mạnh.
Dưới phần bình luận, hàng loạt những tính từ như “vô duyên”, “bất lịch sự”, “cổ hủ”… đã nhắm vào người chơi. Ngoài ra, chương trình cũng nhận không ít bình luận tiêu cực, có thể kể đến như: “Không thể hiểu tại sao những nội dung không nhân văn, thiếu tôn trọng phụ nữ và đầy định kiến như vậy có thể lên sóng”.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu game show hẹn hò của MCV nhận nhiều chỉ trích từ khán giả. Gần nhất, ở tập 10 chương trình Ghép đôi thần tốc đăng tải ngày 20/6 trên kênh YouTube của MCV Media với tiêu đề "Bắt bạn trai phải trả tiền, nấu ăn, cô gái 12 mối tình làm Cát Tường nổi điên" cũng nhận phản ứng tương tự.
Cô gái Trần Ngọc Đoan Minh (26 tuổi) mô tả bản thân là người phụ nữ độc lập, tự chủ về tài chính. Song người này mâu thuẫn với chính mình khi đưa ra tiêu chí về bạn trai. Điển hình, Đoan Minh đòi hỏi bạn trai phải chi tiền cho mình để mua đồ, đầu tư bất động sản, chứng khoán…
Khi MC Cát Tường hỏi: “Nếu gặp người có hoàn cảnh gia đình neo đơn, cha mẹ già thì sao”?, cô này không ngại, đáp liền: “Em sẽ tìm bạn trai khác”. Hoặc Đoan Minh khẳng định sẽ chia tay nếu bạn trai quên trả tiền khi đi ăn cùng cô lần thứ hai…
Những phát ngôn của Đoan Minh ngay lập tức tạo cuộc tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng cô gái này ảo tưởng khi đưa ra tiêu chí chọn bạn trai. Thậm chí, hình ảnh của người chơi bị cắt ghép, bôi xấu trên các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, hàng nghìn bình luận ác ý xen lẫn body shaming tấn công vào Đoan Minh.
Người chơi - nạn nhân trực tiếp của game show “bẩn”
Rõ ràng, nạn nhân trực tiếp và trước tiên của các game show là người chơi. Chấp nhận trở thành nhân vật trong các chương trình hẹn hò với mong muốn tìm được người yêu, người bạn đời như ý nhưng kết cục của họ là bị chỉ trích, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cá nhân.
Khi tập 10 chương trình Ghép đôi thần tốc lên sóng, trang cá nhân của Trần Ngọc Đoan Minh bị tấn công. Cô gái 26 tuổi phải chịu những bình luận thậm tệ. Thậm chí, nhiều group anti cô được hình thành trên mạng xã hội.
Trước những chỉ trích, Đoan Minh phải đứng ra xin lỗi. Cô viết: “Tôi xin lỗi vì đã để xảy ra ồn ào không đáng có này. Và tôi cũng gửi lời xin lỗi đến bạn nam và chị Cát Tường. Tôi sẽ chú ý lời nói, tính thẳng thắn của mình sau này”.
Trả lời truyền thông, cô gái 26 tuổi cũng nhấn mạnh chương trình khi lên sóng đã được cắt bỏ nhiều đoạn, từ đó gây ra sự hiểu nhầm và phản ứng tiêu cực của số đông khán giả.
Không ít người chơi sau khi rời khỏi chương trình đã nhận ra rằng khâu biên tập của nhà sản xuất không giúp họ cắt cúp những đoạn, chi tiết, câu nói quá đà mà vẫn giữ nguyên để họ bị “ném đá”. Số khác cũng bày tỏ sự hối hận khi tham gia game show và tuyên bố không trở lại ở những format tương tự.
Năm 2020, game show Vợ chồng son bị phản ứng vì sự xuất hiện của một cặp đôi chênh lệch 20 tuổi, thản nhiên kể chuyện giường chiếu và hành trình từ cha - con nuôi trở thành vợ chồng.
Hai nhân vật chính trong câu chuyện là anh Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) và chị Nguyễn Thị Nhất (29 tuổi) khi ấy phải nhận vô số "gạch đá" từ khán giả. Đa số cho rằng đôi vợ chồng chênh lệch tuổi quá thô, phản cảm khi vô tư nói chuyện phòng the.
Sau sự việc, anh Nguyễn Văn Hưng chia sẻ với Zing: “Trong cuộc đời, có nhiều sự hối tiếc. Tôi tham gia chương trình với mục đích vui là chính, làm kỷ niệm của vợ chồng. Đón nhận sự phản ứng trái chiều của khán giả, tôi cảm thấy hối hận vì đã tham gia chương trình”.
... Và nạn nhân gián tiếp
Khán giả Hoàng Anh (32 tuổi, ngụ Gò Vấp) là người thường xuyên theo dõi các chương trình về hẹn hò trên truyền hình, YouTube. Chị độc thân và hiện cũng muốn kiếm người bạn đời nên tìm hiểu game show mai mối để có dịp tham gia.
Tuy nhiên, khi theo dõi vài số của Hẹn ăn trưa, Bạn muốn hẹn hò, chị quyết định dừng xem, với lý do “vô bổ và không mang lại giá trị”.
Giống như Hoàng Anh, nhiều khán giả đã quyết định ngừng theo dõi các game show về hẹn hò, mai mối, giới tính. Thay vì để giải trí, kết nối, các chương trình kể trên khiến người xem bị bội thực khi phơi bày chuyện đời tư vợ chồng, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu….
Có một sự thật là hầu hết game show ở Việt Nam không được “dán nhãn” để phân loại lứa tuổi, đối tượng xem. Vì thế, trẻ em cũng có thể dễ dàng xem những chương trình mà người lớn đang theo dõi.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một em bé 10 tuổi chứng kiến cảnh người lớn hôn nhau trên game show, vợ chồng chia sẻ chuyện giường chiếu, tư thế yêu hoặc các nhân vật tham gia chương trình cãi cọ, dùng những từ nhạy cảm, dung tục chửi nhau hay ăn mặc phản cảm… Thật khó để tưởng tượng.
Về lâu dài, những sản phẩm như trên gây ra hệ lụy khó lường đối với đối tượng người xem. Nó như những sản phẩm thiếu văn hóa, làm lệch lạc giá trị sống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới truyền thống, đạo lý của người Việt Nam.
Trách nhiệm của nhà sản xuất ở đâu?
Trên thực tế, việc lựa chọn người chơi, sắp đặt nội dung câu chuyện, góc quay nằm trong tính toán của nhà sản xuất.
Những game show được đăng tải không phải là chương trình truyền hình trực tiếp. Vì thế, nhà sản xuất có quyền biên tập, chỉnh sửa, cắt ghép theo mong muốn, ý đồ của họ.
Vì tỷ suất người xem, khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ lượt view, họ bất chấp việc truyền thông lên án, khán giả kêu gọi tẩy chay, để tiếp tục sản xuất những chương trình thiếu nhân văn với những chi tiết phản cảm, câu view.
Điều đáng nói, khi người chơi đứng giữa "cơn bão" chỉ trích từ khán giả, nhà sản xuất luôn chọn cách im lặng như một cách lẩn tránh trách nhiệm. Và khi "bão tan", các game show lại tiếp tục ra đời và nở rộ hơn trước.