Gà rớt giá kỷ lục, thấp nhất còn 5.000 đồng/kg
Giá gà lông trắng loại lớn hiện chỉ còn 5.000 đồng/kg nhưng vẫn khó tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh gia cầm đang có nguy cơ phá sản.
Ngày 2/8, nhiều địa phương tại Đồng Nai ghi nhận giá gà lông trắng công nghiệp giảm kỷ lục còn 5.000 đồng/kg đối với gà quá trọng lượng, còn lại dao động 7.000 - 9.000 đồng/kg, trừ gà nuôi hợp đồng.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Công ty San Hà (đơn vị chiếm thị phần lớn về thịt gà tại TP.HCM) - cho biết hiện TP.HCM và các tỉnh giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ giảm cộng với khó khăn trong khâu lưu thông, giá gà trắng đã giảm mạnh xuống còn 8.000 đồng/kg.
Bà cho biết công ty vẫn đang mua giá theo hợp đồng với các trang trại gà công nghiệp giá 25.000 đồng/kg, còn ở các trang trại ngoài giá hiện nay 8.000 đồng/kg. "Mỗi ngày San Hà đưa ra thị trường khoảng 50.000 con gà nên đang bị lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày", bà nói.
Thực tế hiện nay, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi, vận chuyển tăng cao, đầu ra tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá giảm kỷ lục khiến nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm thua lỗ nặng.
"Giá 1 con gà thịt rẻ hơn 1 quả trứng gà ta ở miền Bắc"
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam - cho biết hiện nay có tình trạng ứ đọng gà ở các địa phương do khâu giết mổ và lưu thông tắc nghẽn. Có thời điểm giá gà xuống còn 5.000-6.000 đồng/kg.
"Đây là mức giá giảm thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Giá 1 con gà thịt hiện nay còn rẻ hơn 1 quả trứng gà ta ở miền Bắc, hơn 5.000 đồng/quả", ông đánh giá.
Song song với gà thịt, ông cho biết các loại gà giống cũng không thể tiêu thụ. Do tình hình dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, các trang trại không dám tái đàn nên giá giảm thê thảm, có thời điểm giá con gà 1 ngày tuổi chỉ bằng giá 1 quả trứng thương phẩm.
"Nếu không kịp thời tháo gỡ, vào những tháng cuối năm khi dịch bệnh ổn định Việt Nam sẽ thiếu nguồn cung thịt, trứng gà. Kéo theo đó giá sẽ tăng lên, thịt đông lạnh nhập khẩu lại ồ ạt về thị trường", ông nhấn mạnh.
Ông Sơn cho biết hiện nay, 70% gà lông màu chủ yếu được tiêu thụ ở chợ truyền thống và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Do đó khi các chợ, cơ sở này dừng hoạt động thì việc ùn ứ gà thịt là điều đương nhiên.
Tương tự, tại Tây Ninh, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Tây Ninh - cũng cho biết tại tỉnh giá gà giảm mạnh chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg. Hiện Tây Ninh đang còn khoảng 1 triệu con gà lông trắng, tương đương 2.500 tấn.
Theo ông, ở mức giá này người chăn nuôi đang lỗ rất nặng bởi bán một con gà trắng 3 kg chỉ thu về được hơn 20.000 đồng. "Hơn nữa, do không có chuồng để thả nuôi và khó khăn về nguồn thức ăn, nhiều hộ dân phải tiêu hủy hàng triệu con gà giống", ông nói.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi điều này đồng nghĩa với việc sẽ thiếu hụt hàng triệu con gà thương phẩm khi thị trường thịt gà trở lại bình thường.
Cần gỡ 2 điểm nghẽn để "cứu" giá gà
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, trước tình hình giá gà thịt xuống thấp kỷ lục, phía hiệp hội đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tìm mọi cách tháo gỡ 2 điểm nghẽn: Khâu giết mổ và lưu thông.
"Bởi giá gà thịt lông trắng và lông màu giảm không phản ánh quan hệ cung cầu. Trong lúc nhu cầu người dân rất lớn, nhất là khi TP.HCM thiếu thực phẩm trầm trọng, các doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ' vẫn cần cung ứng nhưng lượng gà thịt giết mổ đảm bảo ATTP lại không đáp ứng được", ông Sơn phân tích.
Do đó, theo Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam, hiện nay những cơ sở giết mổ còn hoạt động được bằng mọi giá tạo điều kiện để tăng năng suất giết mổ.
Đồng thời phải khơi thông khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Tạo điều kiện cho vận chuyển gà ra khỏi chuồng để đi giết mổ, tiêu thụ. Ngoài ra cần xem xét cho phép cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đảm bảo vệ sinh, có kiểm soát của lực lượng thú ý hoạt động thì mới có thể đáp ứng nhu cầu về thịt gà có các tỉnh đang giãn cách xã hội.
"Bên cạnh đó, giá gà trắng hiện nay ở miền Bắc vẫn cao hơn ở miền Nam. Vậy nên cần tạo điều kiện vận chuyển gà từ Nam ra miền Trung, miền Bắc để tiêu thụ nhằm giảm áp lực tồn đọng ở khu vực chăn nuôi phía Nam", ông đề xuất.
Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chiều 31/7, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, tổ trưởng tổ công tác 970, cũng lưu ý cơ sở giết mổ dừng hoạt động thì ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng thực phẩm.
Ông yêu cầu các địa phương bằng mọi biện pháp phải giữ bằng được các cơ sở giết mổ, không để dịch Covid-19 xâm nhập vào. "Đồng thời đặc biệt quan tâm chống dịch tại các cơ sở giết mổ, vừa thực hiện nguyên tắc 5K vừa phải xét nghiệm cho người lao động, để kích hoạt các lò mổ hoạt động trở lại", ông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nam cho biết tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT đã ghi nhận và sẽ đề xuất lên Bộ kiến nghị Chính phủ xem xét một số chính sách hỗ trợ, kích cầu sản xuất nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung lâu dài. Bên cạnh đó, ông đề nghị UBND các tỉnh, thành phía Nam cần tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến thực phẩm được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động.
Tin nổi bật
Tin Video