Tin tức

Tục Cúng 'Gà bay' độc đáo trong ngày Rằm tháng Giêng

(VOVTV) - Theo thông lệ hàng năm, cứ đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, các dòng họ ở Hà Tĩnh lại trổ tài làm những mâm cúng, cỗ gà với nhiều kiểu trưng bày độc đáo để dâng cúng lên tổ tiên.

Tác giả Phương Thảo / VOVTV
26/02/2021 15:35

Mâm cỗ ngày Rằm tháng Giêng dâng cúng tổ tiên là một nghi lễ hết sức trang trọng. Gà là thành phần chính trên mâm cỗ, đây là phần đòi hỏi nhiều công phu và phải chính tay con cháu trong dòng họ làm. Cùng với gà còn có xôi, bánh dày, bánh chưng, hoa quả… cũng được bày biện để làm nên những mâm cỗ bắt mắt.

'Gà bay': Nét đặc trưng cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh - Ảnh 1.

“Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”, câu tục ngữ được lưu truyền từ thời cha ông cho đến ngày nay. Rằm tháng Giêng còn có tên gọi khác Tết Nguyên tiêu, hay còn gọi là Tết muộn. Ảnh: Phương Thảo

Muốn làm được gà nhiều kiểu dáng khác nhau như "bay", "quỳ", "đứng", thì người làm phải rất cẩn thận và công phu trong việc chọn gà, mổ gà và uốn nắn tư thế để khi lên mâm cỗ phải hoành tráng, độc đáo.

'Gà bay': Nét đặc trưng cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Những mâm cỗ “gà bay”, “gà đứng”, "gà quỳ" được trang trí hết sức cầu kỳ cùng với thân cây chuối. Ảnh: Phương Thảo

Có mặt tại dòng họ Nguyễn Văn, thôn 1, xã Bình An, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nhiều người không khỏi thích thú bởi những mâm cỗ được chồng cao, gà cúng được tạo nhiều thế lạ mắt, cầu kỳ.

'Gà bay': Nét đặc trưng cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Để "gà đứng" được trên các mâm cỗ, người ta có thể dùng những chiếc đinh dài đâm xuyên vào chân con gà để có thể đứng vững. Ảnh: Phương Thảo

'Gà bay': Nét đặc trưng cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh - Ảnh 4.

"Gà quỳ" cùng mâm cỗ bánh dày. Ảnh: Phương Thảo

Gà trước khi trưng bày trên mâm cỗ phải được chọn lựa với cân nặng đủ lớn, đẹp mã và tạo thế kỳ công, kỹ thuật cao. Hoàn thành được một con gà thế đứng, quỳ, bay phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ mà không phải ai cũng làm được.

'Gà bay': Nét đặc trưng cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh - Ảnh 5.

"Gà bay" ngậm hoa. Ảnh: Phương Thảo

'Gà bay': Nét đặc trưng cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh - Ảnh 6.

Gà được uốn nắn tạo thế theo ý muốn của người làm, sau đó mang đi luộc. Ảnh: Phương Thảo

Theo chia sẻ của những người có thâm niên làm gà cúng trong họ thì gà được chọn làm cỗ phải được lựa chọn rất kỹ càng. Gà được tìm mua khắp các địa phương trong tỉnh, thậm chí phải đặt tận Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng... trước cả tháng trời, gà tầm trọng lượng khoảng 4-6kg mới đẹp mã.

Chọn mua gà không phải dễ, phải là người thông thạo để nhìn con gà còn sống là biết được khi tạo thế có đẹp hay không. Khâu cắt tiết, vặt lông phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến da gà. Sau khi làm sạch, gà được tạo thế bay, quỳ, đứng… với sự hỗ trợ của dây thép, lạt giang. Khâu luộc gà và bày biện mâm cỗ cũng rất công phu.

'Gà bay': Nét đặc trưng cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh - Ảnh 7.

Với người dân, làm gà cúng đẹp không chỉ bởi sự đam mê mà hơn hết là mong muốn có những lễ vật đẹp mắt, là lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Ảnh: Phương Thảo

Nếu làm gà, tạo thế gà đòi hỏi công phu và kỹ thuật cao thì trang trí, bày biện mâm cỗ không hề đơn giản. Dưới bàn tay khéo léo của người làm, gà được trang trí nhiều kiểu khác nhau như gà đứng trên mình rùa, gà đậu trên thân chuối, gà ngậm hoa…

Cùng với gà, bánh chưng, bánh dày, hoa quả, cau trầu… cũng được dùng để trang trí nên những mâm cỗ nhiều tầng trang trọng, phong phú và mang tính nghệ thuật cao.

'Gà bay': Nét đặc trưng cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh - Ảnh 8.

Mâm cỗ với những thế gà độc đáo và khác lạ. Ảnh: Phương Thảo

Dòng họ Nguyễn Văn là một trong số những dòng họ ở xã Bình An có phong tục làm cỗ "gà bay" vào các dịp lễ quan trọng như Tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, khánh thành nhà thờ họ...

Ngoài thể hiện sự tâm huyết, khéo léo và lòng thành kính dâng lên tổ tiên của con cháu, tục bày mâm cúng, chồng cỗ là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Hà Tĩnh, là dịp để con cháu sum vầy, tụ họp đông đủ sau một năm đi làm ăn xa.

Ý kiến của bạn