G20 lên án và kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine
(VOVTV) - Các thành viên G20 cùng một số tổ chức quốc tế đã kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng lần thứ 2 của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ngày hôm qua (20/4), các thành viên G20 và các quốc gia khách mời bao gồm Ukraine cùng một số tổ chức quốc tế đã kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trên cương vị chủ tịch G20, phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, nhiều thành viên G20 đã lên tiếng phản đối cuộc chiến.
Theo Bộ trưởng tài chính Indonesia, cuộc gặp diễn ra tại Washington DC, Mỹ trong tình huống đầy thách thức do cuộc chiến Nga và Ukraine đang xảy ra, tác động được cảm nhận được cả ở các quốc gia Châu Âu. Tại cuộc họp, các thành viên G20 bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân đạo, kinh tế và tài chính do cuộc chiến gây ra và kêu gọi chiến tranh kết thúc ngay lập tức. Theo các thành viên G20, chiến tranh đã và sẽ tiếp tục cản trở quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, làm dấy lên những lo ngại, đặc biệt liên quan đến an ninh lương thực và giá năng lượng.
Các thành viên G20 cho rằng, chiến tranh đã khiến tăng trưởng và phục hồi trở nên phức tạp hơn nhiều, đồng thời làm suy yếu khả năng sẵn sàng và phản ứng của toàn cầu trong việc đối phó với đại dịch, bao gồm cả lĩnh vực y tế. Các quốc gia có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt vì họ đã phải đối mặt với nhiều thách thức khác như không gian tài chính hạn chế và nợ cao. Do đó, các thành viên nhấn mạnh vai trò quan trọng của G20 là diễn đàn chính cho hợp tác kinh tế quốc tế trước những thách thức của nền kinh tế toàn cầu đa dạng và phức tạp hiện nay.
Các thành viên ủng hộ việc điều chỉnh các chương trình nghị sự hiện có nhằm khuyến khích G20 giải quyết tác động kinh tế của chiến tranh trong khi duy trì các cam kết giải quyết các thách thức toàn cầu tồn tại từ trước, đồng thời dẫn dắt thế giới trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, bao trùm và cân bằng.
Tin nổi bật
Tin Video