Tin tức

Eurozone đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao

Ngày 13/7, các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao, một phần bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt khí đốt và lạm phát tăng cao.

14/07/2022 09:00

Hãng tin Bloomberg dẫn kết quả thăm dò đối với các nhà kinh tế và công bố ngày 13/7 cho hay nguy cơ suy thoái tại khu vực Eurozone ngày càng hiển hiện, trong bối cảnh thiết hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên và lạm phát tại một số nước thành viên đang ở mức cao kỷ lục. Đây được cho là hai nhân tố chính khiến Eurozone có thể rơi vào suy thoái.

Theo kết quả thăm dò, nguy cơ suy thoái đã tăng từ 30% tại cuộc thăm dò trước đó lên 45%. Trước khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, viễn cảnh suy thoái của Eurozone chỉ là 20%. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng khi các nước phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga kể từ đầu tháng 3 tới nay và dòng chảy năng lượng của Nga sang châu Âu sụt giảm mạnh.

Eurozone đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao - Ảnh 1.

Ảnh: RT

Ông Erik-Jan van Harn, một chiến lược gia tại Rabobank, đánh giá: “Chúng ta (Eurozone) đang đối mặt với một cuộc suy thoái do đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ và tác động của tình trạng giá đầu vào cao hơn của ngành công nghiệp… Kinh tế Đức (nền kinh tế số một châu Âu) đã giảm tốc và xu thế là đi xuống rõ ràng”.

Chi phí sinh hoạt tăng cao tại các nước châu Âu đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, vốn mới chỉ bắt đầu trở lại mức chi tiêu và năng lực sản xuất như trước đại dịch. Trong khi đó, việc nguồn cung khí đốt từ Nga sụt giảm trở thành mối đe dọa về năng lượng trong mùa Đông.

Giới phân tích cho rằng lạm phát của Eurozone sẽ đạt đỉnh trong quý này. Dự báo lạm phát cũng đã được nâng lên so với cuộc thăm dò trước đó, dù xu thế tăng giá dự kiến sẽ chậm lại so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào năm 2024.

Nhìn chung, các số liệu đang cho thấy một viễn cảnh khá đáng ngại với Eurozone. Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/7, lạm phát tại Eurozone trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế khu vực.

Cụ thể, giá tiêu dùng tại khu vực Eurozone trong tháng 6 tăng 8,6%, vượt mức kỷ lục trước đó là 8,1% ghi nhận trong tháng 5. Kể từ tháng 11/2021, giá tiêu dùng tại Eurozone đã liên tiếp ghi nhận các mức kỷ lục khi giá năng lượng tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại của nhóm gồm 19 nước thành viên này đã tăng gần gấp đôi trong tháng 4 so với tháng 3. Trước đó, mức thâm hụt này đã tăng kỷ lục trong tháng 3. Đây là số liệu do Eurostat công bố ngày 15/6. Eurostat cho biết 19 nước thành viên Eurozone đều ghi nhận thâm hụt thương mại ở mức 32,4 tỷ euro trong tháng 4, tăng mạnh so với 16,4 tỷ euro thâm hụt của tháng liền kề trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ngày 7/7, Giám đốc điều hành Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), ông Klaus Regling, cho rằng Eurozone ngày càng gắn kết và kiên cường hơn sẽ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Phát biểu tại diễn đàn thường niên Economist Government Roundtable lần thứ 26 ở thủ đô Athens (Hy Lạp), ông Regling nhấn mạnh: "Tôi không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa tức thời nào đối với tính bền vững của nợ công tại bất kỳ quốc gia thành viên Eurozone nào vào thời điểm này và hiện cũng không có vấn đề kinh tế vĩ mô nào trong Eurozone".

Quan chức ESM cho biết thêm gánh nặng lãi suất đối với ngân sách công của Eurozone đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua, bất chấp các mức nợ công đáng kể. Khu vực này đang ngày càng trở nên kiên cường hơn sau các cuộc khủng hoảng trong thập kỷ đã qua khi các thể chế mới được thành lập.

Ý kiến của bạn