EU 'tuyệt vọng' với kế hoạch trừng phạt dầu của Nga
Các nhà ngoại giao châu Âu đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch trừng phạt Nga, vốn bị đình trệ trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng của EU vào tuần tới.
Theo trang tin Politico.eu, các nước EU đang tuyệt vọng tìm cách cứu vãn kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Nga, khi hy vọng về một bước đột phá tắt dần trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng của các nhà lãnh đạo châu Âu vào tuần tới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người lần đầu tiên đề xuất lệnh trừng phạt cách đây ba tuần, hôm 24/5 báo hiệu rằng có rất ít cơ hội đạt được một thỏa thuận giữa tất cả 27 nước thành viên EU trong thời gian các nhà lãnh đạo tập trung tại Brussels vào ngày 30/5.
Phía sau hậu trường, các nhà ngoại giao và quan chức EU vẫn đang tìm cách để để ngăn chặn lệnh trừng phạt bị sụp đổ hoàn toàn khi đối mặt với khả năng không bao giờ đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu của Nga. Như đã xảy ra trong tháng qua, Thủ tướng Hungary Viktor Orban vẫn từ chối ủng hộ lệnh trừng phạt, viện dẫn rằng điều đó gây tổn thất quá lớn đối với Budapest.
Thất bại sẽ là đòn giáng mạnh vào uy tín của EU và là một động lực chính trị và kinh tế lớn đối với Nga, nước phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Vẫn còn năm ngày nữa trước khi các nhà lãnh đạo gặp nhau tại thủ đô của Bỉ cho hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu. Hội nghị cấp cao của 27 nhà lãnh đạo nước thành viên sẽ đưa ra định hướng chính trị quan trọng về các vấn đề quan trọng nhất mà EU đang phải đối mặt.
Các nhà ngoại giao và quan chức EU đã coi hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội tốt nhất để đồng ý về một kế hoạch chi tiết có thể được Hungary và 26 quốc gia EU khác chấp nhận.
Họ cũng đang tích cực thảo luận nhằm tìm ra các phương án để phá vỡ thế bế tắc. Chúng bao gồm việc khôi phục lại một đề xuất trước đó về việc tạm hoãn lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu thô và nhiên liệu tinh chế của Nga hiện tại và tiếp tục với phần còn lại của gói trừng phạt.
Một bước đi như vậy sẽ làm "lệch" điểm chính trong toàn bộ vòng trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga. Nó cũng khiến bà Leyen khó xử vì từng khẳng định việc trừng phạt dầu của Moskva là khó nhưng phải được thực hiện. Cùng ngày, bà Leyen cho biết không muốn quá hy vọng vào "những kỳ vọng sai lầm" rằng một thỏa thuận sẽ được sự đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới.
Trong khi đó, Chính phủ Pháp, hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, tin rằng một thỏa thuận có thể sẽ được vạch ra trước khi Hội nghị tiến hành.
“Vẫn có khả năng trong những ngày tới Hungary từ bỏ quyền phủ quyết của mình”, một quan chức Pháp nêu quan điểm, lưu ý dự kiến sẽ không đạt được thống nhất trong cuộc họp của các đại sứ EU vào ngày 25/5, nhưng chỉ ra rằng hai cuộc thảo luận tiếp theo giữa các đặc phái viên EU sẽ được lên kế hoạch vào cuối tuần này.
Một lựa chọn tiềm năng khác có thể giúp loại bỏ sự phản đối của Budapest. Điều này có thể bao gồm ý tưởng trước đó là gia hạn thời gian chuyển tiếp để Hungary và các nước khác tuân thủ lệnh cấm khai thác dầu của Nga, tùy thuộc vào các tiêu chí nhất định mà Hungary sẽ đồng ý.
Nếu không có thỏa thuận nào được ký kết trong những ngày tới, vấn đề gây chia rẽ này sẽ là thách thức, bất kể chương trình nghị sự chính thức của hội nghị như thế nào. Trong một bức thư, Thủ tướng Orban nói rằng "Hội nghị là một diễn đàn sai lầm để giải quyết bất đồng".
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết việc Hungary từ chối thảo luận về các lệnh trừng phạt tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới sẽ "giết chết khả năng" đạt được một thỏa thuận nhanh chóng. Nhà ngoại giao này cũng bày tỏ thất vọng trước danh sách ngày càng tăng của Hungary yêu cầu thêm thời gian và nhiều tiền hơn để thích nghi với cuộc sống mà không có dầu của Nga.
Nhiều nhà ngoại giao khác cũng nghi ngờ đạt được thỏa thuận trong vài ngày còn lại trước hội nghị thượng đỉnh vì các vấn đề với Hungary quá phức tạp để có thể giải quyết trong một thời gian ngắn như vậy. Một người lưu ý: "Việc không đạt được bước đột phá vào thời điểm hội nghị thượng đỉnh kết thúc sẽ là một thảm họa. Hoặc đạt được một thỏa thuận ngay bây giờ, hoặc không có thỏa thuận".
Tin nổi bật
Tin Video