Tin tức

EU thông qua cơ chế áp giá trần khí đốt

(VOVTV) - Bộ trưởng Năng lượng các nước Liên minh châu Âu ngày 19/12 đã thống nhất áp giá trần khí đốt ở mức 180 euro/MWh nhằm kiềm chế giá khí đốt leo thang và ngăn chặn khủng hoảng năng lượng kéo dài.

Tác giả Quang Dũng / VOV Paris
20/12/2022 09:22

Theo quyết định được Bộ trưởng Năng lượng các nước EU đưa ra sau cuộc họp trong ngày 19/12 tại Brussels, mức giá trần khí đốt được Liên minh châu Âu áp dụng sẽ là 180 euro/MWh. Theo đó, nếu giá giao dịch khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan, vốn được xem là tiêu chuẩn của châu Âu, vượt quá mức 180 euro/MWh trong 3 ngày liên tiếp thì cơ chế giá trần sẽ được kích hoạt, cho phép châu Âu vô hiệu hóa mọi giao dịch khí đốt cao hơn mức giá trên.

EU thông qua cơ chế áp giá trần khí đốt - Ảnh 1.

Châu Âu chưa thoát khỏi khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Politico

Đây được xem là biện pháp mới nhất, và cũng là khó đạt đồng thuận nhất, mà các nước thành viên EU đưa ra trong nỗ lực kiềm chế giá khí đốt, qua đó sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng năng lượng. Mức giá trần 180 euro/MWh được thông qua cũng thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/2 mức giá trần 275 euro/MWh mà Uỷ ban châu Âu đề xuất hồi cuối tháng 11/2022. Hiện tại, giá giao dịch khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan dao động quanh mức 140 euro/MWh. Con số này thấp hơn nhiều mức giá kỷ lục 340 euro/MWh hồi tháng 8/2022 nhưng hiện vẫn cao gần gấp đôi giá khí đốt tại châu Âu cách đây 1 năm.

Phát biểu tại Brussels sau khi biện pháp áp giá trần khí đốt được thông qua, Ủy viên phụ trách năng lượng của Ủy ban châu Âu, bà Kadri Simpson nhận định, việc áp giá trần khí đốt mới chỉ là bước đi đầu tiên trong nỗ lực chấm dứt khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.

“Mặc dù việc thống nhất được biện pháp hạn chế giá khí đốt là rất quan trọng nhưng điều quan trọng nữa là cần phải đẩy mạnh việc biến các nỗ lực mua chung khí đốt trở thành hiện thực. Ngoài ra, châu Âu cũng có thể tạo ra một chỉ số bổ sung liên quan đến khí tự nhiên hóa lỏng và tăng cường sự đoàn kết trong vấn đề năng lượng. Cơ chế điều tiết thị trường cũng chỉ có thể có tác dụng tốt nếu đi cùng với các biện pháp khác là tiết kiệm khí đốt và hỗ trợ người tiêu dùng”, bà Kadri Simpson nói.

Việc áp giá trần khí đốt sẽ được các nước EU chính thức áp dụng từ ngày 15/2/2023, tuy nhiên Ủy ban châu Âu có thể lập tức ngừng áp giá trần nếu đánh giá biện pháp này mang đến các hậu quả tiêu cực nhiều hơn cho các nước châu Âu, như việc gián đoạn nguồn cung, tác động đến cơ chế hỗ trợ khí đốt giữa các nước hay khiến cho các nỗ lực cắt giảm tiêu dùng khí đốt tại châu Âu bị ảnh hưởng.

Ý kiến của bạn