EU quay trở lại kỷ nguyên than
Một số thành viên của Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch khẩn cấp để tăng cường sử dụng nhiên liệu than trong bối cảnh thiếu khí đốt của Nga.
Theo đó, nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU đưa ra các kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm và hạn chế việc sử dụng khí đốt tự nhiên và phục hồi sản xuất nhiệt điện than.
Đức, Áo và Hà Lan cho rằng năng lượng sản xuất từ than đá có thể giúp họ đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông tới. Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này đã đưa ra quyết định “cay đắng" là khởi động lại các nhà máy điện than.
“Nhưng nếu không làm điều đó, nguy cơ các kho chứa sẽ không đủ vào cuối năm", Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói.
Áo cũng thông báo sẽ chuyển đổi nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trong trường hợp khẩn cấp, trong khi Hà Lan loại bỏ giới hạn sản xuất năng lượng từ than. Các nhà máy nhiệt điện than của Italy đã tích cực dự trữ than trong vài tháng qua.
Trong khi đó, Hà Lan và Đan Mạch hôm 26/6 công bố kế hoạch khẩn cấp về việc phân phối khí đốt trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung. Italy cũng đang cân nhắc về việc ban bố tình trạng cảnh báo về năng lượng, điều đó có nghĩa là nước này cũng có thể bắt đầu phân phối khí đốt sử dụng trong công nghiệp. Đức và Áo đã đưa ra các kế hoạch khẩn cấp có tính chất tương tự.
Sự thay đổi từ "năng lượng xanh" - không dùng than của EU, sang "nhiên liệu bẩn" diễn ra sau khi nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga cắt giảm 60% nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream vào tuần trước. Phía Nga cho rằng, công ty bảo trì Siemens của Đức không thể trả lại các đơn vị bơm sau khi đưa đi sửa chữa ở Canada, do các lệnh trừng phạt chống Nga của Ottawa.
Tuy nhiên, các quan chức châu Âu coi quyết định này là mang tính chính trị. EU phụ thuộc vào Nga với 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên và việc cắt giảm nguồn cung có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của khối này.
Nhu cầu về khí đốt tự nhiên trong khu vực hiện tại khá cao, do thời tiết nắng nóng mùa hè buộc người dân châu Âu phải đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống làm mát. Tuy nhiên, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông, khi lượng tiêu thụ năng lượng trong mùa sưởi ấm sẽ tăng vọt.