Tin tức

EU không đạt được thỏa thuận chung đối với các lệnh cấm khai thác dầu của Nga

(VOVTV) - Ngày 8/5, các cuộc đàm phán giữa 27 quốc gia trong khối đã không đạt được thỏa thuận và các quan chức châu Âu dự kiến sẽ soạn thảo một kế hoạch thỏa hiệp mới trước khi triệu tập một cuộc họp ngoại giao khác trong ngày 8/5 hoặc ngày 9/5.

Tác giả Hải Đăng / VOV Praha
09/05/2022 08:24

Trước đó, các nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất vào ngày 4/5. Những khó khăn trong quá trình đàm phán giữa các nước đang phản ánh thực tế là việc cấm hoàn toàn nhập khẩu nhiên liệu thô và tinh chế của Nga sẽ gây tổn hại sâu sắc cho một số quốc gia thành viên. Việc đóng cửa thị trường EU đối với nhiên liệu của Nga được coi là một chiến lược quan trọng để trừng phạt Nga sau khi nước này tấn công Ukraine.

EU không đạt được thỏa thuận chung đối với các lệnh cấm khai thác dầu của Nga - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: politico.eu

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, đến cuối tháng 4, Liên minh châu Âu đã nhập khẩu khoảng 44 tỷ euro nhiên liệu từ Nga. Hungary và Slovakia là những quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga đã khẳng định lập trường phản đối kế hoạch cấm vận của khối đối với việc nhập khẩu dầu từ Nga và đã nhận được nhượng bộ từ Ủy ban châu Âu khi để các nước này có thêm thời gian tuân thủ lệnh cấm cho tới cuối năm 2024.

Trong ngày 8/5, thủ tướng Viktor Orban đã khẳng định sẽ không ủng hộ các lệnh cấm vận vì động thái này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Hungary. Trước đó, trong ngày 6/5, thủ tướng Orban cũng khẳng định Hungary cần tối thiểu 5 năm để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Một quan chức giấu tên của EU cho biết Budapest đang thúc đẩy để được miễn hoàn toàn lệnh cấm khai thác dầu mỏ từ Nga.

Kế hoạch cấm vận dầu mỏ hiện nay đang bị một số quốc gia trong khối phản đối quyết liệt. Tuy nhiên, đây không phải là điểm gây tranh cãi duy nhất giữa các nước EU còn nhiều những chi tiết khác trong gói trừng phạt đang được lãnh đạo các quốc gia trong khối thảo luận trong những ngày tới.

Ý kiến của bạn