Tin tức

EU huy động 17 tỷ euro để ứng phó cuộc khủng hoảng tị nạn Ukraine

(VOVTV) - Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này sẽ huy động tổng cộng 17 tỷ euro từ các nguồn khác nhau để xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine - trong bối cảnh chiến sự tại quốc gia này đã đẩy gần 4 triệu người Ukraine chạy sang lánh nạn tại nhiều quốc gia EU.

Tác giả Quang Dũng / VOV Paris
29/03/2022 18:47

Số tiền 17 tỷ euro sẽ là khoản chi lớn đầu tiên mà châu Âu huy động nhằm trợ giúp các quốc gia thành viên ứng phó với cuộc khủng hoảng tị nạn Ukraine.

Trước mắt, một phần lớn số tiền này sẽ được chi cho các nước thành viên xây dựng các địa điểm tiếp nhận, sắp xếp nơi cư trú cũng như chi phí an sinh xã hội tối thiểu cho những người chạy nạn từ Ukraine. Các nguồn tài chính lớn hơn có thể tiếp tục được huy động trong tương lai, tùy thuộc vào tình hình chiến sự tại Ukraine.

EU huy động 17 tỷ euro để ứng phó cuộc khủng hoảng tị nạn Ukraine - Ảnh 2.

Người tị nạn Ukraine tại biên giới Ba Lan. Ảnh: Quang Dũng/VOV-Paris

Quyết định trên được các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp Liên minh châu Âu – EU đưa ra sau các cuộc họp trong ngày 28/3 tại Brussels, trong bối cảnh số người tị nạn Ukraine chạy sang các nước châu Âu kể từ thời điểm nổ ra chiến sự tại quốc gia này đã lên tới 3,9 triệu người, theo thống kê mới nhất của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn – UNHCR.

Vào thời điểm cuộc chiến tại Ukraine mới nổ ra, các quan chức EU dự báo sẽ có khoảng 4 triệu người Ukraine chạy nạn sang các nước châu Âu. Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ bị vượt qua trong những ngày tới và theo Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock, nhiều khả năng số người tị nạn Ukraine tràn sang châu Âu sẽ lên tới 8 triệu người.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn – UNHCR cũng cho biết, ngoài gần 4 triệu người đã rời đất nước, hiện có khoảng trên 6,5 triệu người tại Ukraine đã phải bỏ nhà cửa chạy nạn trong lãnh thổ Ukraine và phần đông trong số này có thể sẽ sớm chạy sang các nước châu Âu, tạo thành cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất tại châu lục này từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Thực tế này sẽ khiến châu Âu đối mặt với gánh nặng khổng lồ về kinh tế-xã hội bởi sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu đã thông qua Đạo luật bảo vệ tạm thời, theo đó người tị nạn từ Ukraine có thể được các nước EU tiếp nhận, cung cấp giấy tờ cư trú, an sinh xã hội và giấy phép lao động lên tới 3 năm tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Liên minh châu Âu. Nếu duy trì đạo luật này trong các năm tới, EU dự kiến sẽ phải chi hàng chục tỷ euro mỗi năm cho người tị nạn Ukraine.

Một vấn đề khác mà EU phải đối mặt, đó là tình trạng phân bổ không đều giữa các quốc gia thành viên trong việc tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Hiện tại riêng Ba Lan đang tiếp nhận trên 2 triệu người, CH Séc khoảng 300.000 người, hay Đức đã nhận khoảng gần 200.000 người trong khi nhiều nước thành viên khác mới chỉ nhận số nhỏ.

Do đó, chính phủ Đức đã đề nghị Ủy ban châu Âu đề ra cơ chế phân bổ bắt buộc nhằm chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng giữa các nước thành viên EU. Tuy nhiên, nhằm tránh các bất đồng lớn giữa các nước thành viên trong thời điểm này, Uỷ ban châu Âu cho biết trước mắt vẫn sẽ duy trì nguyên tắc tự nguyện.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Gerald Darmanin, để tránh tình trạng này, cần xây dựng một cơ chế tiếp nhận thống nhất giữa các nước EU để người tị nạn Ukraine không tìm cách lựa chọn di chuyển đến các nước có điều kiện tốt hơn.

“Đầu tiên, tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là Liên minh châu Âu cần phải xây dựng được khung trợ giúp an sinh xã hội và tài chính cho người tị nạn giống nhau tại tất cả các nước thành viên EU, nhằm tránh các bất đồng. Hiện Uỷ ban châu Âu đã đề ra một số giải pháp và cần phải tích cực thực hiện các giải pháp này”.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn