Tin tức

EU họp khẩn bàn về thách thức năng lượng và tị nạn do khủng hoảng Ukraine

(VOVTV) - Hội đồng Châu Âu sẽ triệu tập một cuộc họp Thượng đỉnh bất thường của Liên minh Châu Âu trong chiều tối nay (24/2) nhằm thảo luận về khủng hoảng Ukraine.

Tác giả Quang Dũng / VOV Paris
24/02/2022 09:06

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel ngày 23/2 cho biết đã triệu tập một cuộc họp Thượng đỉnh bất thường của Liên minh Châu Âu trong chiều tối nay (24/2) nhằm thảo luận về khủng hoảng Ukraine trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh ngày càng tăng và Châu Âu phải đối mặt nhiều thách thức về năng lượng và người tị nạn.

Trong thông báo đưa ra chiều 23/2, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, đối mặt với các diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm tại Ukraina, ông đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp Thượng đỉnh đặc biệt với nguyên thủ các nước EU, tổ chức trong tối hôm nay (24/2) tại Brussels.

Nội dung chính của cuộc họp, theo nhiều nguồn tin ngoại giao từ Brussels, sẽ bàn về các biện pháp trừng phạt tiếp theo mà EU có thể áp dụng nhằm vào Nga khi căng thẳng leo thang tại Ukraine.

EU họp khẩn bàn về thách thức năng lượng và tị nạn do khủng hoảng Ukraine - Ảnh 1.

Các ngoại trưởng EU bàn về gói trừng phạt Nga. Ảnh: Le Monde

Trước đó, trong chiều 23/2, Hội đồng Châu Âu đã chính thức phê chuẩn gói trừng phạt đầu tiên của Liên minh Châu Âu nhằm vào nhiều cá nhân và thực thể tại Nga, trong đó có các nghị sĩ thuộc Duma quốc gia, tức Hạ viện Nga, một số quan chức quốc phòng cao cấp, cũng như các ngân hàng Nga.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo EU khẳng định đây mới chỉ là các trừng phạt ban đầu và châu Âu sẵn sàng gia tăng các biện pháp cứng rắn hơn với Nga nếu Nga đẩy mạnh các hành động quân sự với Ukraine. Một trong các biện pháp được nhiều chuyên gia kinh tế Châu Âu nhắc đến là việc Châu Âu có thể trừng phạt Nga trong lĩnh vực năng lượng hoặc tìm cách loại bỏ Nga khỏi hệ thống viễn thông liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Tuy nhiên, giới phân tích cũng đánh giá, các lệnh trừng phạt mà Châu Âu tung ra với Nga cũng sẽ khiến nền kinh tế châu Âu bị tác động mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Một số quốc gia Châu Âu như Áo, Slovakia, Đức… phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga và chắc chắn sẽ gánh hậu quả nặng nề nếu Nga trả đũa bằng cách cắt đứt nguồn cung năng lượng cho châu Âu, trong bối cảnh giá khí đốt và xăng dầu tại châu Âu đang tăng rất nhanh. Hiện tại, Nga chính là đối tác năng lượng lớn nhất của Châu Âu, cung cấp trên 40% lượng khí đốt cho châu Âu.

Ý thức được nguy cơ này, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen ngày 23/2 đã cuộc hội đàm với Thủ tướng Na Uy, Jonas Gahr Stoere nhằm tìm giải pháp ứng phó, do Na Uy cũng là một quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn. Bà Ursula von der Leyen tuyên bố Châu Âu sẽ tìm mọi cách chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

“Như tất cả đều thấy, phía Nga đã sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị từ nhiều tháng qua, thậm chí từ nhiều năm qua để gây sức ép không chỉ lên Ukraine và còn lên cả Liên minh Châu Âu. Do đó hiện tại chúng tôi quyết tâm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Na Uy sẽ là một nhà cung cấp đáng tin cậy”.

Bất chấp tuyên bố cứng rắn từ Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, giới phân tích cho rằng sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Nga và Châu Âu hiện nay chắc chắn sẽ khiến Châu Âu chịu hậu quả nặng nề trong lĩnh vực năng lượng.

Trước đó, Qatar, một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về khí đốt, đã lên tiếng cảnh báo rằng nước này khó có thể bù đắp đủ sản lượng khí đốt thiếu hụt cho Châu Âu một khi Nga cắt đứt nguồn cung. Việc nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ cũng sẽ khiến giá năng lượng tại Châu Âu tăng mạnh, đe dọa sự phục hồi kinh tế của khối này hậu đại dịch.

Ngoài vấn đề năng lượng, một chủ đề khác cũng khiến các lãnh đạo EU đặc biệt lo ngại là vấn đề người tị nạn. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu chiến tranh bùng nổ tại Ukraine, lượng người Ukraine đổ sang tị nạn tại các quốc gia EU lân cận như Ba Lan, Hungary, Slovakia hay Romania có thể lên tới hàng triệu người, đẩy EU đối mặt với cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau cuộc chiến tại Syria năm 2015.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn