Tin tức

EU chia rẽ về khả năng tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022

(VOVTV) - Ngày 13/12, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu – EU nhóm họp tại Brussels với một trong các chủ đề trọng tâm được bàn thảo là xác định một quan điểm chung đối với Olympic Mùa Đông Bắc Kinh 2022 nhưng cho biết sẽ không sớm tìm được sự đồng thuận.

Tác giả Quang Dũng / VOV Paris
14/12/2021 08:47

Trong số những chủ đề nổi bật được Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu - EU thảo luận trong phiên họp tại Brussels có việc xác định quan điểm chung của châu Âu đối với việc có tẩy chay ngoại giao Olympic mùa Đông 2022 được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vào tháng 2/2022 hay không.

Trong số các nước châu Âu, hiện tại mới chỉ có Pháp là đưa ra các tuyên bố cấp cao liên quan đến Olympic Bắc Kinh 2022. Phát biểu cách đây vài ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước Pháp không tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022 và nhận định rằng việc tẩy chay này chỉ là một hành động nhỏ không có ý nghĩa, đồng thời kêu gọi không chính trị hóa thể thao. Tuy nhiên, phát biểu sau đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết thêm, Pháp muốn châu Âu có một cách tiếp cận chung đối với vấn đề này.

EU chia rẽ về khả năng tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022 - Ảnh 2.

Hiện chỉ có một số ít quốc gia tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022

Ngoài Pháp, một số nước cũng đang thúc giục EU sớm đưa ra quan điểm chung rõ ràng về việc có theo chân Mỹ, Anh tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022 hay không. Tuy nhiên, phát biểu khi đến cuộc họp Ngoại trưởng EU tại Brussels ngày 13/12, đa số Ngoại trưởng các nước đều lên tiếng ủng hộ cách tiếp cận của Pháp. Ngoại trưởng Luxemburg, ông Jean Asselborn cho rằng, việc EU cần làm là can dự và đối thoại rõ ràng với Trung Quốc để nói lên quan điểm khác biệt và sự phản đối của EU với một số chủ đề như nhân quyền. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Áo, Alexander Schallenberg thì nhấn mạnh, điều quan trọng là không chính trị hóa kỳ Olympic này: “Tôi ủng hộ một quan điểm chung của Liên minh châu Âu trong vấn đề này. Tôi cũng rất băn khoăn về việc chính trị hóa kỳ Olympic mùa Đông này. Châu Âu có quan điểm rõ ràng về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có ích nếu để các kỳ Olympic cố tình bị biến thành một sự kiện chính trị. Do đó, tôi ủng hộ mạnh mẽ cho việc châu Âu cần xây dựng một quan điểm chung”.

Hiện tại, trong số những nước thành viên EU, nước vận động mạnh nhất cho việc tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022 là Litva do quan hệ giữa Litva và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng thời gian qua xung quanh vấn đề Đài Bắc - Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có một số đối tác thân thiết trong nội bộ EU như Hungary nên giới quan sát cho rằng, EU chưa thể sớm đưa ra được một quan điểm chung đối với Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Ngoài chủ đề về quan hệ với Trung Quốc, các Ngoại trưởng EU cũng đã thảo luận về tình hình căng thẳng hiện nay với Nga xung quanh vấn đề Ukraina. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cho biết, EU đang được đặt trong “chế độ răn đe” với Nga và mọi giải pháp trừng phạt với Nga đã được chuẩn bị nếu Nga tấn công quân sự Ukraina. Tuy nhiên, ông Borrell cho biết các nguyên thủ EU sẽ thảo luận thêm về căng thẳng với Nga tại Thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày thứ Năm (16/12) và thứ Sáu (17/12) tuần này tại Brussels.

Tại cuộc họp của các Ngoại trưởng EU ngày 13/12, EU chưa đưa ra thêm trừng phạt với Nga nhưng đã quyết định trừng phạt công ty Wagner Group, một công ty quân sự tư nhân chuyên cung cấp lính đánh thuê, có trụ sở tại Nga. Châu Âu cáo buộc công ty này vi phạm nhân quyền khi hoạt động tại nhiều quốc gia châu Phi trong khu vực Sahel.

Ý kiến của bạn