EU cảnh báo 'kết cục bất lợi' nếu chậm cung cấp đạn dược cho Ukraine
(VOVTV) - Nếu châu Âu không hành động khẩn cấp để duy trì dòng viện trợ đạn dược cho quân đội Ukraine trong vài tuần tới, cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ có kết cục hết sức bất lợi cho Ukraine và phương Tây.
- Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ thăm Ukraine
- Nga tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn nếu phương Tây cung cấp vũ khí để Ukraine tấn công
Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu nhóm họp từ trưa 20/2, theo giờ địa phương tại Brussels (Bỉ) và thảo luận trong vòng 2 ngày về một loạt các chủ đề cấp bách của khối, trong đó trọng tâm vẫn là các diễn biến liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, vào thời điểm sắp kỷ niệm 1 năm nổ ra cuộc xung đột này.
Phát biểu trước báo giới tại Brussels, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU - ông Josep Borrell tiếp tục nhắc lại cảnh báo được đưa ra cuối tuần trước tại Hội nghị an ninh Munich rằng, châu Âu cần phải khẩn cấp hành động để cung cấp đầy đủ vũ khí, đạn dược cho Ukraine ngay lập tức, nếu không kết cục của cuộc xung đột sẽ hết sức bất lợi cho Ukraine, thậm chí “xung đột sẽ chấm dứt chỉ trong vài tuần tới”.
Theo ông Josep Borrell, hiện quân đội Ukraine đang đối mặt nguy cơ cạn kiệt đạn dược, đặc biệt là các loại đạn pháo 155mm và 152mm và đây là tình huống cấp bách mà các nước châu Âu cần phải ứng phó, nếu muốn giúp quân đội Ukraine duy trì được cán cân trên chiến trường hiện nay.
Theo giới phân tích quân sự châu Âu, với tình trạng chậm trễ hiện nay trong việc đặt hàng vũ khí, các nước châu Âu cần phải chờ khoảng 10 tháng mới có thể nhận được 1 quả đạn pháo 155mm và 2-3 năm cho một quả tên lửa phòng không. Do đó, giải pháp cấp bách được giới quan chức châu Âu tính đến hiện nay là gây sức ép, buộc các nước thành viên sử dụng kho dự trữ đạn chiến lược trong quân đội mỗi nước, đồng thời kích hoạt cơ chế đặt mua chung vũ khí, với ngân sách dự kiến khoảng 4 tỷ euro, nhằm thúc đẩy các nhà thầu quốc phòng tăng tốc độ sản xuất vũ khí. Đây là cơ chế từng được EU sử dụng nhằm mua vaccine ngừa Covid-19 trong đợt đại dịch vừa qua.
Cùng lúc đó, châu Âu cũng đang gấp rút cùng Mỹ hoàn tất các chi tiết cuối cùng của gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga, với trọng tâm trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực công nghệ, tài chính - ngân hàng cũng như việc mở rộng các lệnh trừng phạt sang các cá nhân, tổ chức được cho là giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thông tin này cũng đã được đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong chuyến thăm bất ngờ đến thủ đô Kiev của Ukraine sáng 20/2. Theo đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell, gói trừng phạt thứ 10 với Nga chắc chắn sẽ được công bố trước ngày 24/2, ngày kỷ niệm 1 năm nổ ra xung đột Nga-Ukraine.
Một động thái đáng chú ý khác là việc các quan chức ngoại giao châu Âu cũng sẽ thảo luận về kế hoạch hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine sắp được Trung Quốc công bố trong tuần này. Tuần trước, ông Vương Nghị, quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã có chuyến thăm châu Âu và cho biết, đã trao đổi với các lãnh đạo Pháp, Đức, Italy về bản kế hoạch này. Mặc dù đa số các nước châu Âu vẫn đón nhận ý tưởng này một cách thận trọng, nhưng theo Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, bất cứ điều gì mang lại hòa bình đều nên được đón nhận.
“Chúng tôi chưa biết gì nhiều về sáng kiến hòa bình của Trung Quốc, nhưng nếu có bất cứ sáng kiến nào có thể chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đều là các tín hiệu tích cực”, Ngoại trưởng Phần Lan nói.
Tin nổi bật
Tin Video