EU cam kết đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thuỵ Điển trong thời gian chờ gia nhập NATO
(VOVTV) - Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng bảo vệ Phần Lan và Thuỵ Điển nếu 2 quốc gia này bị tấn công trong thời gian chờ đợi để được gia nhập NATO.
Đây là tuyên bố của Cao ủy phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu Josep Borrell đưa ra ngày 17/5. Trong khi đó, lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển ra tuyên bố chung muốn đàm phán với Thổ Nhĩ kỳ để thúc đẩy quá trình gia nhập.
Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU tại Brussels, Cao ủy phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu Josep Borrell đã hoan nghênh các quyết định xin gia nhập NATO của hai quốc gia thành viên EU là Phần Lan và Thụy Điển. Ông Josep Borrell cũng cho biết, trên cơ sở điều 42.7 của Hiệp ước châu Âu, EU sẵn sàng đảm bảo an ninh cho bất cứ quốc gia thành viên nào của EU nếu bị tấn công, trong đó có cả Phần Lan và Thụy Điển.
“Nếu một quốc gia bị tấn công trên lãnh thổ của mình, nếu có một cuộc tấn công vũ trang chống lại vào một quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, quốc gia này có thể yêu cầu Liên minh châu Âu tương trợ. Và các quốc gia thành viên khác cũng có nghĩa vụ tương trợ bằng tất cả khả năng. Đây là điều rõ ràng”.
Mặc dù là thành viên của EU từ năm 1995, nhưng cả Phần Lan và Thụy Điển đều giữ chính sách trung lập không tham gia các liên minh quân sự và duy trì quan hệ tốt với Nga cho đến trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraina nổ ra.
Sau quyết định mang tính lịch sử xin gia nhập NATO, cả Phần Lan và Thụy Điển đang nỗ lực tìm kiếm sự bảo trợ an ninh cho đến khi trở thành thành viên chính thức của NATO. Hai quốc gia lớn của EU là Pháp và Đức đã có các tuyên bố mạnh mẽ sẽ “sát cánh” cùng Thụy Điển và Phần Lan, trong khi thành viên quan trọng NATO là Anh trước đó đã ký với Phần Lan và Thụy Điển thỏa thuận hỗ trợ an ninh trong trường hợp bị tấn công.
Tuy vậy, con đường gia nhập NATO của 2 nước trên đang vấp phải trở ngại lớn là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ với lý do Thụy Điển và Phần Lan đang bảo trợ cho đảng “Công nhân người Kurd”, tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU xếp vào danh sách khủng bố.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan hôm qua (17/5), Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết:
“Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thảo luận bởi đây cũng là lo ngại của nhiều nước thành viên NATO. Tiến trình gia nhập cần diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Vì vậy, mọi thứ cần phải rõ ràng và chúng tôi sẽ tiến hành thương lượng”.
Theo nhà phân tích chính trị Fabrice Pothier, Giám đốc chi nhánh Brussels của tổ chức Rasmussen Global, mặc dù phản đối hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO nhưng Nga đã có cách tiếp cận khá ôn hòa và nhiều khả năng chỉ trả đũa bằng các biện pháp kinh tế và kỹ thuật quân sự như dừng cung cấp điện, khí đốt hoặc tăng cường quân đội tại khu vực biên giới.
Trong bài phát biểu hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, phản ứng của Nga phụ thuộc vào mối đe dọa cụ thể mà NATO gây ra, đồng thời vạch ra “lằn ranh đỏ” là không chấp nhận NATO triển khai cơ sở hạ tầng quân sự tại Phần Lan và Thụy Điển.
Tin nổi bật
Tin Video