ECB tăng lãi suất kỷ lục, Eurozone vẫn có nguy cơ suy thoái trong năm 2023
(VOVTV) - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/9 đã quyết định tăng lãi suất kỷ lục thêm 0,75 điểm phần trăm, cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999 để kiềm chế đà tăng của lạm phát. Chủ tịch ECB Christiane Lagarde nhận định, Eurozone có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu.
Hội đồng điều hành ECB gồm 25 Thống đốc ngân hàng của các quốc gia thuộc khu vực đồng euro hôm qua (08/9) đã ra quyết định lịch sử khi tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là mức tăng kỷ lục kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999 và cũng là lần điều chỉnh tăng lãi suất thứ 2 chỉ trong vòng 2 tháng qua của ECB, kết thúc 8 năm duy trì lãi suất dưới 0%.
Phát biểu trong phiên họp báo tại Frankfurt (Đức), Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde cho biết việc điều chỉnh lãi suất tăng đột biến nằm trong nỗ lực kiềm chế đà đăng của lạm phát. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, lạm phát khu vực eurozone trong tháng 8/2022 là 9,1% và được dự báo có thể lên đến hai con số trong những tháng cuối năm, trong đó đặc biệt là giá năng lượng có thể tăng đến 38% và lương thực là 10,6%.
Bà Christine Lagarde thừa nhận ECB đã sai lầm trong dự báo mức độ gia tăng lạm phát trong khu vực eurozone và không loại trừ khả năng tổ chức tiếp tục thực hiện các lần điều chỉnh tăng lãi suất tiếp theo để đảm bảo tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu trong trung hạn sớm được đưa về mức 2%.
Tuy nhiên, người đứng đầu ECB nhấn mạnh định chế tài chính châu Âu này sẽ hoàn tất mua lại các khoản nợ công trước khi tính tới các đợt điều chỉnh tăng lãi suất tiếp theo.
ECB cũng dự báo lạm phát năm 2022 của khu vực đồng euro sẽ là 8,1%, trước khi giảm xuống còn 5,5% trong năm 2023 và 2,3% trong năm 2024. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế eurozone sẽ bằng 0 trong quý 4/2022 và quý 1/2023 nếu nước Nga cắt hoàn toàn nguồn khí đốt đến châu Âu trong mùa Đông tới.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde thậm chí tỏ ra bi quan hơn khi cảnh báo kinh tế khu vực đồng euro có thể nguy cơ rơi vào suy thoái nếu xung đột tiếp tục leo thang.
“Cuộc xung đột tại Ukraina đã tác động mạnh đến nền kinh tế khu vực đồng euro và làm gia tăng đáng kể sự bấp bênh. Mức độ tác động của cuộc xung đột đối với kinh tế eurozone sẽ phụ thuộc vào diễn biến trên chiến trường, hậu quả của các lệnh trừng phạt hiện nay cũng như các biện pháp có thể được bổ sung từ cả hai phía,” Chủ tịch ECB nói./.)
Tin nổi bật
Tin Video