Đường sắt dừng 2.300 đoàn tàu, thua lỗ nặng, nguy cơ 'trắng tay' vốn sở hữu
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã phải dừng chạy 2.300 đoàn tàu khách trong 6 tháng và dự kiến lỗ hơn 400 tỷ, mức lỗ sẽ lên đến 940 tỷ đồng trong năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải của VNR đạt 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19.
Đại diện VNR cho hay, hai đợt dịch Covid-19 bùng phát tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, đợt 3 bùng phát cuối tháng 1 là thời gian cao điểm phục vụ vận tải Tết Nguyên đán và đợt 4 bùng phát từ ngày 27/4 kéo dài đến nay là thời gian cao điểm vận tải hè. Do vậy, VNR bị "phá sản" kế hoạch khai thác.
Kịch bản tăng trưởng của VNR cũng liên tục thay đổi do các địa phương dịch Covid-19 phức tạp phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội; nhiều địa phương quy định hạn chế đón, trả khách đến từ các địa phương đang có dịch. Lượng khách đi tàu sụt giảm nghiêm trọng.
Theo đại diện VNR, chỉ tính riêng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ lễ 30/4 - 1/5, 232.850 lượt vé hành khách trả lại với số tiền vé bị trả lên đến 195,4 tỷ đồng, ngành đường sắt phải cắt giảm tàu khách. Trong 6 tháng đầu năm, có tới hơn 2.300 đoàn tàu khách phải dừng chạy, dự kiến lỗ hơn 400 tỷ đồng và trong cả năm số lỗ này sẽ lên tới 940 tỷ đồng.
Khi dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM lan rộng, VNR đã bãi bỏ tàu SE3/4 ngày 8/7 hết ngày 23/7. Từ ngày 10/7đến hết ngày 23/7, trên toàn mạng lưới đường sắt chỉ tổ chức chạy duy nhất một đôi tàu khách Thống nhất là SE7/8, không tổ chức chạy tàu khách khu đoạn. Với tàu SE7/8 từ ngày 9/7 đến hết ngày 23/7, VNR không bán vé cho hành khách đi từ ga Sài Gòn đến các ga và đi từ các ga đến ga Sài Gòn.
Hiện trên toàn mạng lưới đường sắt, tàu địa phương gần như không chạy. Có khoảng 1.637 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không hưởng lương.
Tàu khách bị dừng tải do Covid-19, do đó "nguồn sống" của ngành đường sắt phụ thuộc hoàn toàn vào vận tải hàng hóa với doanh thu vận tải hàng hóa 6 tháng qua ghi nhận tăng 22,9% so với cùng kỳ 2020.
Đáng nói, việc khai thác tốt phân khúc hàng hóa nhằm bù đắp doanh thu của VNR là nhờ duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các nút thắt trong chính sách đường biên của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước.
Tuy nhiên, đại diện VNR thông tin, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hết năm nay và kéo dài sang năm 2022, VNR sẽ mất hết vốn chủ sở hữu và đặc biệt khó khăn về dòng tiền hoạt động, mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến có thể dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
"VNR đang kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ khẩn cấp cho vay ưu đãi không tính lãi 800 tỷ đồng để bổ sung dòng tiền, cùng đó có các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải hiện đang bị mất việc, thiếu việc" - đại diện VNR cho hay.
Được biết, năm 2020, VNR đã thua lỗ 1.324 tỷ đồng. Dự kiến, 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 VNR sẽ lỗ hơn 2.200 tỷ đồng
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam nhận định về khoản lỗ của VNR và cho rằng nếu không có giải pháp hỗ trợ, nguy cơ sắp hết vốn Nhà nước là hiện hữu. Nếu VNR dừng hoạt động, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của đơn vị này mà còn ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt và đời sống, việc làm của hàng vạn lao động.
Theo lãnh đạo Cục Đường sắt, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay đề xuất chủ yếu áp dụng cho các doanh nghiệp tư nhân. Do đó, đối với các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ chung. Về lâu dài, VNR cần tái cơ cấu lại bộ máy, quản trị, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.